Kè tường chặn lối đi của người dân thôn Khòn Pịt: Cần có câu trả lời xác đáng
LSO- Hơn 1 tháng nay, 9 hộ dân sinh sống ở thôn Khòn Pịt, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn phải chịu cảnh không có lối đi vì bức tường ngăn mới xây của nhà hàng xóm. Không những vậy, trong quá trình thi công bức tường này đã vùi lấp đường mương thoát nước, khiến việc sản xuất nông nghiệp của các hộ dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kè tường chặn lối đi
Mảnh đất của gia đình ông Dương Đại Cương (mới được chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ gia đình bà Đoàn Thị Ít) ở thôn Khòn Pịt, xã Hoàng Đồng là khu đất nằm ngay sát quốc lộ 1A. Đầu tháng 6/2018, ông Cương cho người đến xây bức tường gạch kiên cố ngăn khu đất của gia đình với các hộ xung quanh. Tuy nhiên, điều đáng nói là vị trí của bức tường theo phản ánh của người dân trong thôn thì đang nằm trên một phần diện tích bờ mương thủy lợi phục vụ tưới tiêu, sản xuất của 9 hộ dân lân cận. Từ mấy chục năm nay, người dân tại đây chỉ có duy nhất lối đi lại lao động sản xuất trên bờ mương này. Chính vì vậy, việc xây bức tường này đã bịt kín lối đi, khiến cho việc sinh hoạt và sản xuất của cả 9 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Gia đình bà Đinh Thị Xuân, thôn Khòn Pịt là một trong 9 hộ bị ảnh hưởng cho biết: Gia đình tôi có ngôi nhà cho thuê và mảnh đất để sản xuất, nhưng hiện tại bức tường nhà ông Cương xây lên đã chặn hết lối đi, chặn mương thoát nước, ngôi nhà như bị cô lập nên giờ chẳng ai thuê nữa, vườn cây ở đây cũng có nguy cơ ngập úng nếu mưa to vì mương thoát nước giờ không còn.
Bức tường gạch do gia đình ông Cương xây dựng khiến các hộ dân lân cận không có lối đi lại
Cũng vào hoàn cảnh như gia đình bà Xuân, ông Nguyễn Hữu Ty, thôn Khòn Pịt đang rất lo lắng cho vườn đào thất thốn hơn trăm gốc và là nguồn thu nhập chính của gia đình. Hiện nay, hệ thống đường cống thoát nước quanh nhà ông đã bị lấp gần hết, nếu trời mưa lớn gây ngập úng, ông Ty có nguy cơ thiệt hại vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Ông Ty cho biết: Năm 1998, gia đình tôi xây nhà ở đây, “sổ đỏ” được chính quyền cấp tính từ bờ mương trở lại. Con mương này vốn chỉ để thoát nước nay bị chặn không có lối thoát và không có đường đi lại, cứ mỗi lần có việc ra ngoài thì tôi lại phải đi vòng qua nhà hàng xóm, rồi theo một lối đi tự mở của các hộ dân để ra đường cái.
Có mương hay không?
Theo biên bản hòa giải giữa ông Nguyễn Hữu Ty và các hộ dân bị ảnh hưởng với bà Đoàn Thị Ít (đất đã chuyển nhượng cho ông Dương Đại Cương) tại UBND xã Hoàng Đồng ngày 18/5/2018 có ghi rõ: “hòa giải tranh chấp đất đai”, nhưng trao đổi với chúng tôi, ông Ty khẳng định gia đình ông và các hộ dân khác không hề có tranh chấp đất đai với gia đình ông Cương mà chỉ muốn xác định vị trí con mương thoát nước rộng 3,4 m – nơi mà những hộ dân lân cận vẫn đi lại lao động sản xuất, vẫn còn thể hiện trên bản đồ địa chính năm 2001.
Cũng theo biên bản, ông Bùi Công Quyết, đại diện Công ty Cổ phần Tài nguyên số 1 – đơn vị được gia đình ông Cương thuê đo đạc diện tích đất khẳng định việc cắm mốc ranh giới là đúng theo quy định chuyên ngành. Bà Đoàn Thị Ít (chủ cũ mảnh đất) cũng cho biết: Gia đình tôi sử dụng mảnh đất này từ xưa đến nay, không có chuyện lấn mương. Biên bản cuộc họp cũng kết luận: cả hai bên gia đình đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo các số liệu bản đồ địa chính, giữa 2 bên đất của các gia đình có con mương thủy lợi ngăn cách; mương nước hiện tại cạn nên khó xác định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Đình Thảo, Chủ tịch UBND xã Hoàng Đồng cho biết: Xã đã nắm được vấn đề này và đang làm các thủ tục để gửi công văn trả lời các bên liên quan. Tuy nhiên, ông Thảo khẳng định gia đình ông Cương không hề xây lên mương mà xây trên đất thuộc “sổ đỏ” của gia đình họ, vị trí đó không hề có đường mòn đi lại.
Về mương thủy lợi, ông Thảo cho biết: Do tuyến mương không còn phục vụ sản xuất nữa nên năm 2005, xí nghiệp khai thác các công trình thủy lợi đã báo cáo thành phố, báo cáo tỉnh thu hồi toàn bộ tuyến mương đó, hiện nay không hề có con mương tại vị trí này. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem quyết định thu hồi diện tích mương thủy lợi này được ký năm 2005 thì ông Thảo từ chối và nói “Chưa được, chúng tôi sẽ trả lời sau”.
Câu hỏi đặt ra là, việc thu hồi mương thủy lợi tại sao những hộ dân giáp ranh không biết, và trường hợp mương vẫn thể hiện trên bản đồ địa chính mới nhất, thì hiện tại con mương nằm ở đâu trong khi hai bên đều đã được cấp “sổ đỏ” chứng minh diện tích đất thuộc sở hữu?
Trong khi chờ đợi các cấp chính quyền có câu trả lời thỏa đáng về sự việc này, người dân vẫn hằng ngày phải đi vòng qua nhà hàng xóm, men theo lối đi tự mở để vào lao động sản xuất. Bên cạnh đó thường trực nỗi lo không còn mương thoát nước, nguy cơ ngập úng vào mùa mưa gây thiệt hại về kinh tế.
K.H
Ý kiến ()