“Kế thừa hữu nghị, chung tay tiến lên”
Tiếp tục các hoạt động trong chương trình thăm các di tích lịch sử gắn với cách mạng Việt Nam tại Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tỉnh Quảng Đông theo lời mời của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ngày 29-10, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn đã tới thăm và có cuộc Tọa đàm tại Đại học Sư phạm Quảng Tây với chủ đề: “Kế thừa hữu nghị, chung tay tiến lên”.
Trước khi bước vào tọa đàm, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng đã đến thăm Nhà kỷ niệm Việt Nam, nơi ghi dấu nhiều thế hệ học sinh Việt Nam từng học.
Tham gia cuộc tọa đàm ngoài Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Lê Quang Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí tướng lĩnh, lãnh đạo chủ chốt của các Quân, Binh chủng, đơn vị có hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc; các Quân khu có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, còn có sự tham gia đông đảo sinh viên, các thầy cô giáo Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây.
Phát biểu tại tọa đàm, thầy Tôn Kiệt Viễn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây cho biết, trường luôn coi trọng hợp tác quốc tế, thiết lập quan hệ với 350 trường đại học trên thế giới; xây dựng các học viện Khổng Tử ở nhiều quốc gia, tạo điều kiện giao lưu văn hóa, giáo dục giữa Trung Quốc với các quốc gia. Trong đó, năm 2018 đã thành lập Viện Nghiên cứu Việt Nam.
Đông đảo sinh viên tham dự được nghe Đại tá Trần Hữu Dũng, Phó trưởng ban Thanh niên Quân đội, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam: “Trăm ơn, ngàn nghĩa, vạn tình - Tinh thần hữu nghị quang vinh muôn đời”. Đại tá Trần Hữu Dũng khẳng định: Thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và đội ngũ sĩ quan trẻ QĐND Việt Nam nói riêng luôn ghi nhớ và cảm ơn sâu sắc sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Trung Quốc. Hiện nay có rất nhiều thanh niên Việt Nam đã theo dấu chân của lớp người đi trước đến Trung Quốc để học tập và công tác, trong đó có du học sinh Việt Nam đang theo học tại Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, nối tiếp tình hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Cô Lư Mỹ Niệm, nguyên phiên dịch viên Trường “Mùng 2 tháng 9” xúc động phát biểu: "Tôi đã mất ngủ đêm qua khi biết hôm nay được gặp Đoàn. Sinh ra tại Hà Giang, 9 tuổi sang Quế Lâm. Anh trai tôi lớn lên rồi tham gia cách mạng, sau đó được chuyển về Quế Lâm công tác, vào dạy tại Trường Dục Tài. Còn tôi được học tại trường Dục Tài, được các bạn học sinh tiếp đón nồng nhiệt. Các đồng chí hiệu trưởng dặn dò kỹ. Tôi đã học cấp 1, 2, 3 và thi vào Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây. Sau đó, Quân Giải phóng điều tôi tham gia quân đội, tôi đã đồng ý. Công việc của tôi là làm giáo viên, dạy cho các phiên dịch viên trong quân đội. 6 năm sau, năm 1971, chuyển đến Văn phòng đối ngoại Quế Lâm, làm phiên dịch và giáo viên dạy tại trường Mùng 2 tháng 9.
Tôi đã phiên dịch cho nhiều đoàn đại biểu từ Việt Nam sang thăm Trung Quốc trong các thời kỳ. Tôi muốn làm phiên dịch mãi, dạy tiếng Việt mãi, vì tôi yêu mến Bác Hồ và Chủ tịch Mao Trạch Đông; yêu mến cả hai dân tộc, mong muốn hai dân tộc mãi mãi sống trong tình hữu nghị.
Nhấn mạnh ý nghĩa chuyến thăm các địa danh lịch sử gắn với cách mạng Việt Nam, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định: Đã nhiều lần được đến thăm đất nước Trung Quốc tươi đẹp, mến khách nhưng chuyến thăm này để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc. Xúc động trước sự đón tiếp chu đáo, trọng thị của Ban lãnh đạo, cán bộ Nhà trường và các em sinh viên, tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Kế thừa hữu nghị, chung tay tiến lên” đầy ý nghĩa.
Thông báo cho nhà trường và các sinh viên dự hội thảo về kết quả chuyến đi, Thượng Tướng Hoàng Xuân Chiến chia sẻ: Đến nay, đoàn đã thăm nhiều địa danh, di tích lịch sử gắn với cách mạng Việt Nam tại Quảng Tây như Nhà triển lãm Hồ Chí Minh, Nhà Tưởng niệm khởi nghĩa Long Châu, Bệnh viện Nam Khê Sơn... Mỗi địa danh, di tích đều thể hiện đậm nét sự gắn bó giữa hai bên trong suốt sự nghiệp đấu tranh giải phóng, giành độc lập dân tộc của mỗi nước.
Trở lại với nội dung chính cuộc tọa đàm, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, một số trường học của Việt Nam đã được chuyển đến giảng dạy tại Quảng Tây để đảm bảo sự an toàn cho thầy và trò, được chính quyền, nhân dân Trung Quốc che chở, đùm bọc, giúp đỡ. Từ năm 1951 đến năm 1975, lần lượt có hơn 14.000 lượt học sinh tốt nghiệp từ Quế Lâm về nước, góp phần cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, trong đó có nhiều người sau này đã trở thành lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ, Quân đội Việt Nam. Trong những năm tháng gian khổ ấy đã xuất hiện nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm thầy và trò, sự sẵn lòng nhường cơm sẻ áo cho con em Việt Nam của cán bộ, nhân dân Trung Quốc. Trong đó phải kể đến chuyện nữ bác sĩ Đặng Hải Đường đã cứu sống một học sinh Việt Nam bị ngã xuống hố nước thải gia súc; nữ bác sĩ đã dùng miệng hút sạch nước, chất thải khỏi mũi, miệng học sinh này, cứu sống được em.
Trong số các học sinh được các đồng chí đùm bọc có con em cán bộ Quân đội của Trường Văn hóa Quân đội Nguyễn Văn Trỗi (Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi) thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam vào giai đoạn quyết liệt nhất, Trường được sơ tán đến Quế Lâm rèn luyện và học tập, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đã quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ; chính quyền và nhân dân Quế Lâm hết lòng giúp đỡ. Đây là giai đoạn lịch sử đáng nhớ giữa Việt Nam và Trung Quốc, là tài sản vô cùng quý báu để nhân dân hai nước cùng nhau góp sức vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đơm hoa kết trái, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong ước, đúng với nội dung chủ đề tọa đàm hôm nay “Kế thừa hữu nghị, chung tay tiến lên”. Đại học Sư phạm Quảng Tây đã đóng góp vô cùng quan trọng, bằng những việc làm cụ thể, đầy tình hữu nghị để vun đắp mối tình Việt Nam - Trung Quốc.
Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Trung Quốc trong những năm tháng đấu tranh giải phóng, giành độc lập dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước ngày nay. Sự gắn bó giữa hai nước trong suốt sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc đã viết nên “mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”.
Việt Nam trước sau như một, luôn nhất quán quan điểm coi phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình. Hiện nay hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều đứng trước những thời cơ và thách thức mới trong công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa và phát triển đất nước. Hơn bao giờ hết, hai bên đều cần môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển ở mỗi nước. Rất mong Đại học Sư phạm Quảng Tây tiếp tục phát huy truyền thống, đóng góp nhiều hơn nữa cho mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Ý kiến ()