Kè sông Kỳ Cùng : Đảm bảo an toàn mùa mưa bão
LSO- Công trình kè sông Kỳ Cùng đoạn thành phố Lạng Sơn được đầu tư xây dựng là một bước hiện thực hóa về quy hoạch phát triển đô thị thành phố cả về trước mắt và lâu dài. Ngoài ra, công trình còn nhằm giữ ổn định hai bờ sông, duy trì khả năng thoát lũ, giữ mực nước ổn định vào mùa kiệt, đặc biệt là chống sạt lở hai bờ của dòng sông khi mùa mưa bão đến.
Từ năm 2008 đến nay, công trình kè hai bờ sông Kỳ Cùng với chiều dài hơn 10 km thuộc các phường: Đông Kinh, Tam Thanh, Chi Lăng và một phần của xã Mai Pha đã, đang được đầu tư xây dựng. Trong đó, đoạn hai bờ trái và phải từ cầu Kỳ Cùng (Chùa Thành) đến cơ sở 2 của Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn (phường Đông Kinh) với chiều dài hơn 2 km đã hoàn thành từ cuối năm 2017, tạo cảnh quan đô thị hai bờ sông của thành phố ngày một khang trang hơn và chống sạt lở trong mùa mưa bão. Đối với 8 km còn lại đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện.
Công nhân Công ty TNHH Hà Sơn thi công mái kè bằng đá hộc dự án kè sông Kỳ Cùng
Đoạn từ cầu Kỳ Cùng (Chùa Thành) đến ngầm Thác Trà (khởi công từ năm 2012) với chiều dài gần 4,2 km hiện đã thi công xong chân kè được 2,7 km và mái kè được 50% khối lượng. Trong đó, tuyến bờ trái thuộc phường Chi Lăng có chiều dài gần 2 km có nguy cơ mất an toàn nhất vào mùa mưa bão đã thi công móng kè và mái kè đạt 85% khối lượng.
Tại đoạn này, trước kia mỗi khi vào mùa mưa bão, nước sông Kỳ Cùng dâng cao, áp lực dòng chảy rất lớn, nhiều hộ dân lo lắng trước nguy cơ sạt lở. Nhưng đến nay, những vị trí nguy cơ sạt lở đã cơ bản được xử lý. Ông Trần Lệnh Trưởng, Chủ tịch UBND phường Chi Lăng cho biết: Mặc dù công trình đã góp phần giải tỏa lo lắng về sạt lở cho người dân trong khu vực nhưng do công trình đang trong quá trình hoàn thiện nên mỗi khi xảy ra mưa bão, phường vẫn thường xuyên xuống kiểm tra thực tế tại khu vực đang thi công để nắm tình hình, khi phát hiện bất thường sẽ cảnh báo và xử lý tình huống ngay.
Phía bờ phải thuộc phường Tam Thanh với chiều dài 755 m đoạn từ ngầm Thác Trà tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh là khu vực sạt lở mạnh vào mùa mưa lũ cũng hoàn thành chân kè và đổ bê tông tường kè chống sạt lở được khoảng 300 m2.
Thi công tường chân kè dự án kè sông Kỳ Cùng đoạn cầu Kỳ Cùng đến ngầm Thác Trà, thành phố Lạng Sơn
Bà Hoàng Thị Thanh trú tại đường Bến Bắc, phường Tam Thanh cho biết: Gia đình tôi có hơn 200 m2 đất ở vị trí mặt đường Bến Bắc giáp bờ sông Kỳ Cùng, những năm trước chưa kè chống sạt lở, gia đình rất lo lắng trước nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến công trình nhà ở. Từ khi đơn vị thi công thực hiện đổ bê tông tường kè sông, không chỉ gia đình tôi mà hơn 20 hộ trong khu vực đều rất yên tâm.
Mặc dù vậy trong quá trình triển khai tại các đoạn tuyến từ khu vực Trường Cao đẳng Sư phạm cơ sở 2 (phường Đông Kinh) và cầu Thụ Phụ (thuộc phường Chi Lăng) đến sân bay Mai Pha gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về mặt bằng. Để các công trình phát huy hiệu quả cao nhất trong việc bảo vệ an toàn cho công trình và an toàn cho người dân sinh sống dọc hai bên bờ sông rất cần sự ủng hộ của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Hà Minh Anh, Trưởng phòng Quản lý Dự án 2 Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Hiện chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của dự án kè sông đối với việc bảo đảm an toàn cho chính người dân trong khu vực, nhất là vào mùa mưa bão, từ đó đồng thuận, ủng hộ dự án; phấn đấu trong năm 2018 thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, trong năm 2019 hoàn thành công trình. |
TRANG NINH
Ý kiến ()