Kế Sách (Sóc Trăng): Phát triển văn hóa gắn với du lịch
Kế Sách là 1 huyện của tỉnh Sóc Trăng, có một kho tàng văn hóa khá phong phú, đa dạng, bao gồm các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đặc sắc đã được xếp hạng cấp tỉnh như danh thắng cồn Nhơn Mỹ (Mỹ Phước), di tích cách mạng Thiều Văn Chỏi (Ba Trinh) và di tích căm thù (An Lạc Thôn).
Ngoài ra, Kế Sách còn có nhiều lễ hội của các dân tộc anh em Khmer, Hoa mang sắc thái văn hóa dân tộc rất đặc sắc được diễn ra thường xuyên với nhiều lễ nghi độc đáo vừa mang yếu tố tôn giáo, truyền thống, dân gian gồm có phần lễ, phần hội rất hấp dẫn, lôi cuốn. Đáng kể, lễ hội sông nước miệt vườn mồng 5 tháng 5 âm lịch được tổ chức định kỳ hàng năm tại cồn Mỹ Phước thu hút từ 8.000 – 10.000 lượt du khách gần xa tham gia. Các hoạt động lễ hội đều gắn với những sự kiện văn hóa, lịch sử, chính trị, danh thắng được quan tâm giữ gìn, tôn tạo. Nhiều phần lễ trang trọng, phần hội vui tươi, khơi dậy và phát huy nhiều nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thể thao và các trò chơi truyền thống.
Những năm qua, từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương huyện đầu tư gần 4 tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo và phát triển các di tích, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Qua đó, làm sống lại những giá trị văn hóa, nghệ thuật ở vùng quê sông nước, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa các dân tộc làm cơ sở sáng tạo những giá trị văn hóa mới thiết thực phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, nhất là kinh tế du lịch được xem là ngành kinh tế quan trọng của địa phương.
Thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, công tác xã hội hóa văn hóa ở Kế Sách được tăng cường và có bước chuyển biến trên các lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa, du lịch đẩy mạnh phong trào văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, chùa chiền, miếu… để khai thác phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân, đặc biệt là thu hút du khách đến thưởng thức và tham gia các phong trào văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương.
Với tiềm năng và lợi thế nổi bật, du lịch Kế Sách được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, trong đó văn hóa gắn bó và ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng và sự phát triển của du lịch. Từ nhiều năm qua, du lịch của Kế Sách có những bước phát triển khá khởi sắc, tạo ra những điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và uy tín thương hiệu để bước vào thời kỳ phát triển mới, trong đó có sự tác động và đóng góp đáng kể của văn hóa, văn hóa vừa là điều kiện để du lịch phát triển, đồng thời sản phẩm văn hóa cũng là sản phẩm của du lịch.
Vốn có địa lý tự nhiên nằm ven tuyến sông Hậu và có trục đường Nam Sông Hậu đi qua, Kế Sách còn có điều kiện phát triển các loại hình du lịch sông nước miệt vườn. Với tiềm năng và lợi thế, du lịch Kế Sách đã được địa phương quan tâm, chú trọng quy hoạch xây dựng cồn Nhơn Mỹ (Mỹ Phước) thành điểm du lịch văn hóa lễ hội truyền thống và du lịch nghỉ dưỡng. Theo đồng chí Trương Minh Quân – Trưởng Phòng VHTT huyện Kế Sách: “Để trở thành điểm du lịch lý tưởng thu hút du khách, huyện đã xây dựng đề án đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch miệt cồn Kế Sách gồm các hạng mục: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình văn hóa (mở rộng mặt đường, xây cầu tàu du lịch, quảng trường), sân khấu ngoài trời, cơ sở lưu trú, xây cáp treo qua sông, ngoài ra còn có các môn thể thao dưới nước (du thuyền, lướt ván) với tổng mức vốn đầu tư gần 120 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước đầu tư trên dưới 20%, còn lại sẽ kêu gọi tổ chức, cá nhân đầu tư kèm những chính sách ưu đãi”… Hiện nay, huyện đang tiến hành thực hiện các hạng mục xây dựng hạ tầng kỹ thuật (mở rộng mặt đường, quảng trường trung tâm, cầu tàu du lịch và sân khấu ngoài trời với tổng mức kinh phí gần 10 tỷ đồng). Đặc biệt, để tạo môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp vừa mang nguồn lợi kinh tế vốn phù hợp với tiềm năng đất đai xứ cồn, huyện đã quy hoạch vùng trái cây 4 mùa để phục vụ du khách. Hình thành sản phẩm: “Du lịch sông nước miệt vườn”, “du lịch nghỉ dưỡng”, “du lịch lễ hội”, bên cạnh “du lịch hoài niệm”…
Huyện chỉ đạo gắn văn hóa với phát triển du lịch và thông qua hoạt động du lịch để mở rộng hợp tác giao lưu về văn hóa bằng việc tổ chức các hoạt động văn hóa lớn của huyện, các di sản văn hóa là tài nguyên du lịch quý giá cần được phát triển thành sản phẩm du lịch, hình thành các điểm đến cho du khách.
Ý kiến ()