Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ra Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ngày 2/1/2014 ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dưới đây là toàn văn Kế hoạch:
“Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 (sau đây gọi chung là Hiến pháp). Để tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, căn cứ Nghị quyết số 64/2013/QH13 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp với các nội dung sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH HIẾN PHÁP
1. Mục đích
– Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài về Hiến pháp, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật.
– Xác định trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương và địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp.
– Bảo đảm các quy định của Hiến pháp được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo động lực thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Yêu cầu
– Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp.
– Việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp phải được tiến hành kịp thời, đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu quả và tiết kiệm.
– Xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THI HÀNH HIẾN PHÁP
1. Tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp
1.1. Tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp
– Cơ quan chủ trì: Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
– Cơ quan phối hợp: Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương.
– Hình thức tổ chức: Hội nghị trực tuyến và truyền hình trực tiếp.
– Thời gian thực hiện: Buổi sáng ngày 08 tháng 01 năm 2014.
1.2. Tổ chức Hội nghị toàn quốc tập huấn báo cáo viên, tuyên truyền viên về Hiến pháp.
– Cơ quan chủ trì: Chính phủ.
– Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp, Ban Tuyên giáo Trung ương.
– Cơ quan phối hợp: Ủy ban Pháp luật.
– Thời gian thực hiện: Từ 16 – 30 tháng 01 năm 2014.
1.3. Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp
– Cơ quan chủ trì: Chính phủ.
– Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương.
– Thời gian thực hiện: Năm 2014 và các năm tiếp theo.
1.4. Tổ chức rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, cập nhật các quy định mới của Hiến pháp để có kế hoạch biên soạn lại sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu nghiên cứu, giảng dạy về Hiến pháp
– Cơ quan chủ trì: Chính phủ.
– Cơ quan thực hiện: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, các viện nghiên cứu, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục và đào tạo khác có liên quan đến nghiên cứu, giảng dạy về Hiến pháp và pháp luật.
– Thời gian thực hiện: Năm 2014 và các năm tiếp theo.
1.5. Việc phổ biến, tuyên truyền Hiến pháp phục vụ công tác đối ngoại
– Cơ quan chủ trì: Chính phủ.
– Cơ quan thực hiện: Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban đối ngoại, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các hội hữu nghị Việt Nam, cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương.
– Thời gian thực hiện: Năm 2014 và các năm tiếp theo.
2. Rà soát, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp
2.1. Yêu cầu của việc rà soát văn bản pháp luật
– Rà soát toàn diện, đồng bộ các văn bản pháp luật do các cơ quan ở trung ương và địa phương ban hành để phát hiện những quy định trái Hiến pháp phải bị dừng thi hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật để cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp.
– Ưu tiên sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
– Lập danh mục xác định lộ trình hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
2.2. Các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế trong hệ thống chính trị
a) Các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội và bầu cử.
– Cơ quan chủ trì: Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
– Cơ quan thực hiện: Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban khác của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
– Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ.
– Thời gian thực hiện: trình Quốc hội thông qua chậm nhất vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2015).
b) Các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Chủ tịch nước.
– Cơ quan chủ trì: Chủ tịch nước.
– Cơ quan thực hiện: Văn phòng Chủ tịch nước.
– Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan.
– Thời gian thực hiện: trình Quốc hội thông qua chậm nhất vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2015).
c) Các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương.
– Cơ quan chủ trì: Chính phủ.
– Cơ quan thực hiện: do Chính phủ giao.
– Cơ quan phối hợp: Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan.
– Thời gian thực hiện: trình Quốc hội thông qua chậm nhất vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2015).
d) Các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân
– Cơ quan chủ trì: Tòa án nhân dân tối cao.
– Cơ quan phối hợp: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan.
– Thời gian thực hiện: trình Quốc hội thông qua chậm nhất vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2015).
đ) Các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.
– Cơ quan chủ trì: Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan.
– Thời gian thực hiện: trình Quốc hội thông qua chậm nhất vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2015).
e) Các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước.
– Cơ quan chủ trì: Kiểm toán nhà nước
– Cơ quan phối hợp: Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan.
– Thời gian thực hiện: trình Quốc hội thông qua chậm nhất vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2015).
g) Văn bản về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
– Cơ quan chủ trì: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận.
– Cơ quan phối hợp: Ủy ban Pháp luật, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan.
– Thời gian thực hiện: trình Quốc hội thông qua chậm nhất vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2014).
2.3. Các văn bản pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
– Cơ quan chủ trì: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Cơ quan thực hiện: Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
– Cơ quan phối hợp: Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
– Thời gian thực hiện: Từ năm 2014 và các năm tiếp theo.
2.4. Các văn bản pháp luật về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường
– Cơ quan chủ trì: Chính phủ.
– Cơ quan thực hiện: Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
– Cơ quan phối hợp: Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận.
– Thời gian thực hiện: Từ năm 2014 và các năm tiếp theo.
2.5. Các văn bản pháp luật về bảo vệ Tổ quốc
– Cơ quan chủ trì: Chính phủ.
– Cơ quan thực hiện: do Chính phủ giao.
– Cơ quan phối hợp: Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các Ủy ban có liên quan của Quốc hội.
– Thời gian thực hiện: Từ năm 2014 và các năm tiếp theo.
2.6. Các văn bản pháp luật về đối ngoại và hợp tác quốc tế
– Cơ quan chủ trì: Chính phủ.
– Cơ quan thực hiện: do Chính phủ giao.
– Cơ quan phối hợp: Ủy ban Đối ngoại, các Ủy ban có liên quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
– Thời gian thực hiện: Từ năm 2014 và các năm tiếp theo.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ Nghị quyết số 64/2013/QH13 của Quốc hội và Kế hoạch này, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương và địa phương khẩn trương triển khai thi hành Hiến pháp.
2. Căn cứ Nghị quyết số 64/2013/QH13 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo giám sát việc thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả triển khai thi hành Hiến pháp.
3. Kinh phí tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp được bảo đảm trong kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, tổ chức theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”./.
Theo CPV
Ý kiến ()