Kế hoạch thực hiện 3 dự án giao thông cấp bách bằng vốn ngân sách
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết cơ quan này đã xây dựng lộ trình chi tiết thực hiện Thông báo Kết luận số 126/TB-VPCP ngày 25/3/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, trong đó giao Bộ KH&ĐT đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông (8 dự án) và Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công; bố trí mức vốn phù hợp từ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2019 cho Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán).
Khởi công cả 3 dự án trong năm 2020
Về kế hoạch triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, Bộ GTVT cho biết, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai Nghị quyết của Quốc hội và giao Bộ GTVT thực hiện ngay các thủ tục đầu tư theo quy định để khởi công trong tháng 8-9/2020, Bộ GTVT đã tiến hành phê duyệt điều chỉnh dự án theo hình thức đầu tư công, dự kiến hoàn thành trước ngày 05/5/2020. Kế hoạch đấu thầu dự kiến hoàn thành trước 15/5/2020.
Công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu theo hình thức đầu tư công và dự thảo quyết định phê duyệt sẽ thực hiện gấp rút trong vòng một tháng (từ 30/4-25/5/2020) và không chờ Nghị quyết của Quốc hội. Việc phê duyệt chính thức dự kiến từ 1/6-10/6/2020 ngay khi có Nghị quyết của Quốc hội.
Bộ GTVT sẽ yêu cầu các ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ đánh giá. Bộ GTVT tổ chức thẩm định và phê duyệt trước ngày 10/8/2020 để khởi công công trình.
Với kế hoạch này, dự kiến cả 8 dự án sẽ khởi công gói thầu đầu tiên vào 20/8-30/8/2020 và toàn bộ các gói thầu sẽ khởi công trong tháng 9/2020.
Để đáp ứng được tiến độ này, Bộ GTVT kiến nghị Tổ giám sát liên ngành rút ngắn thời gian rà soát hồ sơ (hiện nay mỗi gói thầu thường mất khoảng 20-25 ngày) hoặc tiến hành hậu kiểm.
Kế hoạch triển khai Dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ được thực hiện từ bước phê duyệt điều chỉnh dự án theo hình thức đầu tư công. Bộ GTVT sẽ triển khai ngay công tác lập và phê duyệt điều chỉnh dự án đồng thời với việc trình Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh hình thức đầu tư; sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh hình thức đầu tư, sẽ phê duyệt điều chỉnh dự án, dự kiến hoàn thành trước 10/5/2020.
Ngay khi quyết định điều chỉnh hình thức đầu tư được Thủ tướng Chính phủ quyết định, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các ban quản lý dự án lập kế hoạch đấu thầu và hồ sơ gói thầu tư vấn khảo sát, thiết kế, lập dự toán theo hình thức đầu tư công, đồng thời dự thảo quyết định phê duyệt, để phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt HSYC ngay khi dự án đầu tư điều chỉnh được phê duyệt, dự kiến hoàn thành trước 20/5/2020. Việc lựa chọn nhà thầu sẽ hoàn thành trước 10/12/2020. Với kế hoạch này, dự kiến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ khởi công tháng 12/2020 và hoàn thành vào tháng 12/2022.
Đối với 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Bộ GTVT cho biết, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2019 cho 2 dự án này, Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
Do tính chất cấp bách của dự án, để sớm triển khai thi công, Bộ GTVT đã báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng thực hiện công trình theo lệnh khẩn cấp, cấp bách. Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận công trình thực hiện theo lệnh khẩn cấp, cấp bách, dự kiến có thể triển khai thi công ngay trong tháng 7/2020, nhanh hơn khoảng 6 tháng so với thực hiện theo quy trình thông thường.
Dự kiến khởi công đồng thời 2 dự án trước ngày 15/7/2020.
Đẩy mạnh đầu tư công, đủ vốn kịp tiến độ
Trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách thời gian tới tại Hội nghị trực tuyến sáng 10/4 của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đặc biệt nhấn mạnh việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.
Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng), bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá.
Bộ Tài chính cam kết bảo đảm đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên.
Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; cho phép triển khai cơ chế giải ngân vốn vay nước ngoài trên môi trường điện tử, giải ngân không theo tỷ lệ cấp phát, cho vay lại; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư. Kết thúc năm, trường hợp vốn kế hoạch vẫn chưa giải ngân hết, trình Quốc hội cho phép hủy bỏ để giảm bội chi ngân sách năm 2020.
Tương tự, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án thuộc đường cao tốc Bắc-Nam phía đông (8 dự án) từ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện để đẩy mạnh đầu tư công nhằm giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Triển khai hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương thực hiện ngay các dự án đường lăn và cất hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo quy định dự án đầu tư công khẩn cấp của Luật Đầu tư công và dự án đầu tư xây dựng có tính cấp bách của Luật Xây dựng; hoàn thành các thủ tục đầu tư, bảo đảm khởi công trong tháng 8-9/2020 các dự án cao tốc Bắc-Nam ngay sau khi được Quốc hội chấp thuận.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo giải ngân hết số vốn của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020; kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân. Thủ tướng nhấn mạnh, nếu đến tháng 9 không giải ngân được thì báo cáo Quốc hội, điều chuyển vốn; thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này…
Theo Chinhphu
Ý kiến ()