Tại hội thảo “Đổi mới kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở các cấp” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay, 16-3, tại Hà Nội, ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Thể chế kinh tế (CIEM) dẫn chứng, trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm của mình, phần lớn các địa phương đều đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức hai con số (hơn 10%), trong khi cả nước nỗ lực phấn đấu “hết mình” mới đạt được mức tăng trưởng GDP hằng năm từ 6% – 7% . Điều này gây không ít băn khoăn về tính chính xác của chỉ tiêu này cũng như bệnh thành tích, hình thức của nhiều địa phương.
GDP chỉ là một trong số nhiều chỉ tiêu được các địa phương đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm cũng như năm năm. Theo ông Lê Viết Thái, hiện bản kế hoạch này ôm đồm quá nhiều chỉ tiêu nhưng lại chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường. Hệ thống các chỉ số, chỉ tiêu kế hoạch ở các cấp còn nhiều điểm bất hợp lý (không rõ ràng, khó xác định, khó thu thập…). Thiếu vắng những chỉ tiêu liên quan đến môi trường, dịch vụ công, trong khi đó lại có một loạt những chỉ tiêu về sản xuất cụ thể như phát triển đàn trâu bò, gia cầm…
Không chỉ vậy, một trong những hạn chế trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở các cấp là sự liên hệ, kết dính giữa các phần trong nội dung kế hoạch còn yếu, từ mục tiêu, chỉ tiêu đến các giải pháp, chính sách, chương trình hành động. Nhiều kế hoạch được lập nhưng thiếu chương trình hành động. Kế hoạch đề cập quá nhiều nhiệm vụ, mục tiêu, song lại không có thứ tự ưu tiên các mục tiêu, dẫn đến việc phân bổ các nguồn lực bị chia sẻ, càng làm cho kế hoạch khó triển khai trong thực tiễn.
Những năm gần đây, một số địa phương đã tiến hành đổi mới công tác lập kế hoạch theo hướng phù hợp với kinh tế thị trường, tăng cường tính minh bạch, dân chủ, công khai, bước đầu thu hút được sự tham gia của các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng nội dung kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên quá trình đổi mới này diễn ra không đồng đều giữa các địa phương.
Ông Lê Viết Thái cho rằng, để đổi mới công tác kế hoạch thì cần đổi mới từ nội dung kế hoạch đến quy trình và phương pháp lập kế hoạch. Trong nội dung kế hoạch, cần chú trọng hơn nữa các dịch vụ công, đặc biệt là hỗ trợ sản xuất, y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường. Cần xác định thứ tự ưu tiên giữa các mục tiêu, tăng cường mối liên kết giữa mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và chương trình hành động.
Việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cần có sự tham gia của người dân, có sự phối hợp, liên kết với các bộ, ngành. “Công tác kế hoạch ở các cấp không phải là nhiệm vụ của duy nhất ngành kế hoạch mà là của cả chính quyền các cấp, các bộ, ngành”, ông Thái nói.
Ý kiến ()