Kế hoạch nhiều tham vọng của Mỹ
Ý tưởng về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) được Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu đưa ra tại Hội nghị cấp cao Đông Á hồi tháng 10/2021. Với mong muốn thông qua hợp tác kinh tế để củng cố vị thế và đa dạng hóa hợp tác, Mỹ đang triển khai các bước đi tích cực nhằm tăng cường kết nối với các nước trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến châu Á kể từ khi nhậm chức. Chuyến công du cũng được xem là sự kiện khởi động chiến lược kinh tế mới của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Kế hoạch này được thúc đẩy trong bối cảnh những năm gần đây Mỹ bị xem là đã “lơ là” khía cạnh hợp tác kinh tế với khu vực, trong khi tập trung nhiều hơn vào nỗ lực tăng cường an ninh, với việc hình thành và thúc đẩy các quan hệ liên minh, đối tác an ninh như AUKUS (với Australia và Anh), hay cơ chế đối thoại Bộ tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia). Sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ chưa đưa ra một chiến lược kinh tế rõ ràng tại khu vực.
Nội dung chi tiết của IPEF chưa được Washington công bố, song theo giới phân tích, đây có thể là một sáng kiến mới của Mỹ nhằm thúc đẩy hợp tác với các đồng minh và các đối tác ở khu vực, trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế số, chuỗi cung ứng, phi carbon hóa, cũng như đầu tư cho cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Chiến lược kinh tế mới tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được Tổng thống Joe Biden thúc đẩy mạnh mẽ trong chuyến thăm lần này tới Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh thân cận tại khu vực Đông Bắc Á.
Nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Seoul, Mỹ và Hàn Quốc chính thức khởi động “đối thoại an ninh kinh tế”. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol nhấn mạnh, liên minh Hàn-Mỹ phải được phát triển phù hợp với “kỷ nguyên an ninh kinh tế”. Hai bên nhất trí thiết lập một kênh đối thoại giữa Văn phòng Tổng thống hai nước để điều phối chính sách trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến và chuỗi cung ứng, nhằm phối hợp chặt chẽ giải quyết các vấn đề ảnh hưởng “liên minh công nghệ Mỹ-Hàn”.
Thăm chính thức Nhật Bản và dự Hội nghị cấp cao Bộ tứ tại Tokyo, Tổng thống Biden dự kiến công bố chi tiết về IPEF trong hôm nay (23/5). Nội dung của IPEF được dự đoán tập trung vào bốn trụ cột gồm: Thương mại công bằng; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng, loại bỏ carbon; thuế và chống tham nhũng. Nhật Bản hoan nghênh IPEF là một động thái thể hiện cam kết tích cực của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở công bố hồi tháng 2/2022, Mỹ tuyên bố sẽ chú trọng mọi khu vực tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á, từ Nam Á tới châu Đại Dương, bao gồm các hòn đảo tại Thái Bình Dương. Tuy nhiên dễ dàng nhận thấy, Đông Nam Á đóng vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Sự coi trọng của Mỹ đối với Đông Nam Á thể hiện rõ nét tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ vừa diễn ra tại Washington nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác giữa hai bên.
Tổng thống Joe Biden khẳng định, Hội nghị đánh dấu khởi đầu “kỷ nguyên mới” trong quan hệ Hoa Kỳ-ASEAN. Điểm nhấn của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ vừa diễn ra là việc hai bên ra Tuyên bố Tầm nhìn chung, trong đó nhất trí nâng cấp quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Những điểm tương đồng giữa tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chiến lược của Mỹ về một cấu trúc khu vực mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, với ASEAN là trung tâm, là nền tảng vững chắc để hai bên quyết định nâng tầm quan hệ.
Kế hoạch kinh tế của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầy hứa hẹn. Mục tiêu và cam kết là vậy, song thành bại của chiến lược còn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực và hành động thực chất của Mỹ, cũng như sự ủng hộ của các nước, vì mục tiêu chung về một khu vực rộng mở, kết nối, thịnh vượng, có sức chống chịu và an ninh.
Ý kiến ()