Kế hoạch Gaza thời hậu chiến của Thủ tướng Israel vấp nhiều phản ứng
Kế hoạch Gaza thời hậu chiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được đưa ra trong bối cảnh Tel Aviv đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng về một lệnh ngừng bắn hoặc chấm dứt các chiến dịch tấn công Gaza, đã vấp phải sự phản đối từ nhiều phía.
AP ngày 23-2 cho hay, chính trị gia nhiều nước đã lên tiếng phản đối sau khi Thủ tướng Netanyahu tiết lộ kế hoạch Gaza thời hậu chiến. Kế hoạch này bao gồm việc xóa sổ tổ chức Phong trào Hồi giáo Hamas, “phi quân sự hóa hoàn toàn” khu vực Gaza; đóng cửa biên giới phía Nam giáp với Ai Cập; cải tổ hệ thống giáo dục và hành chính dân sự của Gaza; Israel nắm toàn quyền kiểm soát các vấn đề quân sự và dân sự ở dải Gaza, quân đội Israel có quyền tự do hành động trên khắp dải Gaza nhằm ngăn chặn mọi mối đe dọa an ninh có thể xảy ra. Gaza sẽ được quản lý bởi người Palestine do Israel lựa chọn và bổ nhiệm. Tel Aviv cũng bác bỏ mọi mệnh lệnh quốc tế liên quan đến việc “đơn phương công nhận” một nhà nước Palestine và sẽ thiết lập một vùng đệm ở Gaza…
Người dân Palestine thẫn thờ trước đống đổ nát sau cuộc pháo kích của Israel vào Rafah, phía Nam dải Gaza, ngày 23-2. Ảnh: REUTERS |
Phản ứng trước kế hoạch này, chính quyền Palestine tại khu vực Bờ Tây đã chỉ trích gay gắt và cho rằng kế hoạch này đậm sắc thái “chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc”, rằng đó là tiền đề cho Israel tiếp tục ý định tái chiếm Gaza. “Nếu muốn có an ninh và ổn định trong khu vực, cần phải chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với các vùng lãnh thổ của người Palestine và công nhận nhà nước Palestine độc lập với Jerusalem là thủ đô”, Al Jazeera dẫn lời ông Nabil Abu Rudeineh, Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Những bất đồng sâu sắc về tương lai của Gaza cũng dẫn đến xích mích ngày càng công khai giữa Israel và Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Tel Aviv. Washington muốn một chính quyền Palestine cải cách quản lý cả Gaza và Bờ Tây, đồng thời hướng tới việc thành lập một nhà nước Palestine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã lên tiếng bác bỏ ý tưởng Israel lập vùng đệm ở Gaza, trong khi Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby bày tỏ không hài lòng với kế hoạch của Thủ tướng Israel và cho biết, Washington đã “luôn nói rõ với các đối tác Israel” về những gì cần thiết ở Gaza thời hậu chiến: “Người dân Palestine cần có tiếng nói, có quyền bỏ phiếu thông qua một chính quyền Palestine được hồi sinh… Mỹ không ủng hộ việc giảm quy mô của Gaza, không muốn thấy bất kỳ sự di dời cưỡng bức người Palestine ra khỏi Gaza…”.
Nhiều đề xuất trong kế hoạch của Thủ tướng Netanyahu cũng vấp phải phản ứng của các bên liên quan. Ai Cập bác bỏ đề xuất Israel sẽ kiểm soát hoàn toàn biên giới Gaza với Ai Cập. Cairo hiện đang kiểm soát việc ra vào biên giới phía Nam Gaza thông qua cửa khẩu Rafah. Trong khi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tuyên bố, nếu không có lộ trình rõ ràng hướng tới một nhà nước Palestine độc lập-điều ông Netanyahu bác bỏ thẳng thừng trong kế hoạch, chắc chắn UAE sẽ không tham gia đóng góp vào việc tái thiết Gaza.
Đề xuất của ông Netanyahu nhằm loại bỏ Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc (LHQ) dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA)-chịu trách nhiệm phân phối viện trợ quốc tế cho Gaza-cũng khó thực hiện, trong bối cảnh LHQ cảnh báo gần như toàn bộ dân số Gaza sắp lâm vào nạn đói nghiêm trọng và cần viện trợ quốc tế khẩn cấp. Israel cáo buộc nhiều nhân viên UNRWA trực tiếp tham gia vào vụ tấn công của Hamas ngày 7-10 năm ngoái. UNRWA có khoảng 13.000 nhân viên ở Gaza.
Cùng ngày, phát biểu với truyền thông nhân tham dự cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở New York, Ngoại trưởng Anh David Cameron nhận định, kế hoạch Gaza thời hậu chiến của Thủ tướng Israel “sẽ không hiệu quả”: Xét từ hai phía, Israel cần thấy an ninh của mình được bảo đảm, còn người Palestine cần triển vọng về một nhà nước Palestine độc lập… Nếu hai điều mấu chốt đó không nằm trong kế hoạch, tôi không tin nó sẽ phát huy hiệu quả.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()