Kế hoạch bí mật của Liên Xô và Mỹ nếu xảy ra tấn công hạt nhân lẫn nhau
Từ năm 1949 Liên Xô đã bắt đầu sở hữu bom nguyên tử, nên nếu xảy ra xung đột quân sự giữa các siêu cường thì ắt sẽ dẫn đến các cuộc tấn công hạt nhân lẫn nhau. Cả Liên Xô và Mỹ đều có kịch bản hành động trong trường hợp nổ ra một cuộc tấn công hạt nhân hạn chế hoặc quy mô lớn.
Ngày tận thế kiểu Mỹ
Ban đầu, giới lãnh đạo Hoa Kỳ coi các cuộc tấn công hạt nhân qua lại với khối cộng sản là một thảm họa. Đề phòng trường hợp này xảy ra, họ đã chuẩn bị một số kế hoạch với giả định tiếp tục chiến tranh bằng các phương tiện thông thường.
Chẳng hạn, theo kế hoạch “Dropshot” năm 1949, Mỹ và các đồng minh có nhiệm vụ phải ngăn chặn việc Liên Xô đưa quân vào Trung Đông, Tây Âu và Nhật Bản. Khi đó dự kiến sẽ nhiều quốc gia giữ thái độ trung lập. Bất chấp đối phương có thể sử dụng vũ khí hóa học và sinh học, phía Mỹ hy vọng sẽ ngăn chặn việc này trên sông Rhein và trên dãy núi Alps, sau đó chuyển sang phản công và tiến quân đến Moscow để tiếp tục chiếm đóng hoàn bộ nước Nga.
Sau khi Liên Xô và Hoa Kỳ đạt mức đồng đẳng hạt nhân vào những năm 1960 và 1980, đã xuất hiện một kịch bản mà theo đó, nếu đối phương tấn công trước hoặc tấn công đáp trả, thì các thành phố và căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ sẽ tan hoang trong vòng một giờ đồng hồ.
Theo kế hoạch phá hủy hệ thống phòng thủ của Mỹ do các chiến lược gia Liên Xô vạch ra, các bang như Oregon, Arizona, West Virginia, Utah và Louisiana sẽ ít bị ảnh hưởng nhất. Những vùng lãnh thổ còn lại của Hoa Kỳ sẽ bị phá hủy phần lớn và bị nhiễm phóng xạ. 50 – 60 triệu người Mỹ sẽ chết ngay lập tức, những người còn lại, bao gồm cả Tổng thống và các nghị sĩ, sẽ phải sơ tán đến các hầm trú ẩn.
Trong trường hợp nổ ra tấn công hạt nhân, cả Liên Xô và Mỹ đều có kịch bản hành động. Nguồn: russian7.ru. |
Các hành động tiếp theo của những người Mỹ còn sống sót được bí mật đề cập đến trong Kế hoạch hành động tổng thể (SIOP). Theo đó, việc đánh chiếm lãnh thổ Liên Xô là không nhất thiết, bởi người ta cho rằng, việc ném bom hạt nhân sẽ biến nước này thành “xã hội không có sức sống”. Theo tài liệu năm 1963, quân đội Mỹ chỉ phải “đảm bảo” rằng, cán cân quyền lực sau chiến tranh chuyển dịch theo hướng có lợi cho Hoa Kỳ.
Kế hoạch chiến tranh chớp nhoáng hậu hạt nhân của Liên Xô
Giả sử, nếu người Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược, thì rất có thể 50 – 70% dân số Liên Xô sẽ thiệt mạng, bao gồm cả dân cư thành phố Leningrad, Moscow, Kiev và Novosibirsk. Nhưng ở khu vực nông thôn thì người dân vẫn sẽ sống sót. Các nhà lãnh đạo Đảng, các chuyên gia và công nhân lành nghề trú ẩn trong các hầm tránh bom cũng sẽ bình an vô sự.
Việc duy trì sản xuất và đội ngũ chỉ huy quân sự sẽ là yếu tố quyết định đến việc tiếp tục cuộc chiến. Một số nhà máy sẽ chuyển xuống những xưởng nằm dưới lòng đất, trong khi các nhà máy khác sẽ được sơ tán đến những khu vực ít bị ảnh hưởng nhất. Tài liệu hướng dẫn dân phòng quy định việc chôn cất hàng loạt người chết là một trong những biện pháp đầu tiên. Đồng thời, lực lượng quân sự còn lại, trong đó có cả quân ở nước ngoài, phải tiếp tục chiến đấu bằng các phương tiện thông thường.
“Khác với những người lên kế hoạch quân sự của phương Tây, các nhà chiến lược Liên Xô bắt đầu từ thực tế rằng, cuộc tấn công lớn của họ sẽ chỉ tạo điều kiện để chiến thắng trong một cuộc chiến theo cách cổ điển, đó là chiếm được lãnh thổ của đối phương”, nhà nghiên cứu người Czech Peter Lunak nhận định.
Trong những cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Warszawa, các kế hoạch đã được vạch ra khi những cuộc tấn công hạt nhân chỉ phá hủy một số nước, và các quốc gia còn lại sẽ tiếp tục cuộc chiến với phương Tây. Chẳng hạn, năm 1979 đã diễn ra chiến dịch chỉ huy quân sự “Bảy ngày tới sông Rhein”.
Theo kịch bản, nếu Ba Lan bị phá hủy hoàn toàn bởi các cuộc tấn công vũ khí hạt nhân giữa hai bên, và để đáp trả thì các đồng minh trong khối cộng sản sẽ điều động xe tăng tấn công Tây Âu. Trong 9 ngày, họ phải đến được thành phố Lyon của Pháp, còn cuộc tấn công sẽ chỉ dừng lại ở dãy núi Pyrenees.
Tuy nhiên, thực tế toàn bộ những kế hoạch bí mật này đã dừng lại vì những hậu quả không thể lường do các vụ đánh bom gây ra. Theo đó, sẽ xảy ra hiện tương “đêm hạt nhân” toàn cầu và sự trở lạnh đột ngột do phát thải vào bầu khí quyển một lượng lớn muội than từ các đám cháy. Ngoài ra, khi nhìn thấy quy mô của sự tàn phá, binh sĩ có thể sẽ từ chối thực thi bất kỳ mệnh lệnh nào được đưa ra.
Ý kiến ()