Kế hoạch 50 của UBND tỉnh: Tiếp sức cho thủy sản
LSO-Là một tỉnh miền núi, điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản ở Lạng Sơn còn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng.
LSO-Là một tỉnh miền núi, điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản ở Lạng Sơn còn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng. Để tăng cường phát triển thủy sản, phục vụ đời sống của người dân và bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 50 ngày 21/5/2013 về phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020. Đây là một tín hiệu vui đối với thủy sản Lạng Sơn.
Cá tầm nuôi tại Suối Mơ, huyện Văn Quan |
Mặc dù là một tỉnh miền núi, biên giới, diện tích mặt nước hạn chế nhưng Lạng Sơn quan tâm đến phát triển nguồn lợi thủy sản khá đồng bộ. Những năm trở lại đây, tỉnh liên tục có những chính sách về phát triển nguồn lợi thủy sản. Năm 2005, Bộ Thủy sản và UBND tỉnh đã quyết định đầu tư Trung tâm giống thủy sản Lạng Sơn, đồng thời thành lập Trung tâm Thủy sản thuộc Sở. Năm 2007, quyết định phê duyệt chính sách hỗ trợ giá giống cá, cấp không cho đồng bào vùng khó khăn. Phê duyệt việc thả cá xuống các hồ thủy lợi để tạo điều kiện cho nhân dân đánh bắt, tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống cho nhân dân.
Toàn tỉnh có trên 8.000 ha mặt nước nhưng chỉ có trên 1.300 ha được đưa vào nuôi trồng thủy sản. Mỗi năm trung bình toàn tỉnh đánh bắt được khoảng 1.200 đến 1.300 tấn cá. Theo ông Nông Ngọc Tăng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng như vậy so với dân số, mỗi năm 1 người dân chỉ được hưởng thụ chưa đến 1kg cá. Một con số quá ít, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, dịch hại trên đàn gia súc, gia cầm lớn như hiện nay thì việc nuôi trồng thủy sản bổ sung vào bữa ăn được coi là giải pháp hữu hiệu, tạo một loại thực phẩm sạch an toàn.
Nhận thấy tầm quan trọng của nuôi trồng thủy sản, UBND tỉnh đã có kế hoạch nhằm đẩy mạnh phát triển thủy sản, khai thác tối đa tiềm năng hiện có. Theo ông Phạm Bá Biền, Phó Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh, đây là một tín hiệu vui, cần nhất hiện nay là phổ biến rộng rãi về kiến thức nuôi trồng thủy sản vì nhân dân rất thiếu kinh nghiệm. Nuôi trồng thủy sản không nên phụ thuộc diện tích mặt nước quá lớn mà thực tế hiện nay rất nhiều vùng nuôi trồng thủy sản chỉ cần một diện tích nhỏ nhưng lại cho hiệu quả rất lớn. Điển hình là mô hình nuôi cá tầm ở Suối Mơ, huyện Văn Quan, chỉ cần diện tích lồng cá 40 m2 nhưng đã mang lại gần 1 tấn cá. Việc khuyến khích tận dụng mọi diện tích mặt nước để nuôi cá sẽ tạo ra một phong trào rộng ở cơ sở và qua đó tạo điều kiện cho nuôi trồng thủy sản phát triển.
Với các tỉnh miền núi, hầu như việc ương cá hương thành cá bột, tạo giống cá rất khó khăn. Hiện Trung tâm giống thủy sản chỉ sản xuất được tầm 4 triệu con giống đáp ứng được một phần năm nhu cầu toàn tỉnh, vì vậy nhân dân vẫn phải mua giống cá ở các vùng khác dẫn đến tỷ lệ thích nghi kém, hiệu quả không cao. Xã hội hóa việc cung cấp con giống thủy sản, trợ cước, trợ giá sẽ giúp việc đầu tư nuôi trồng thủy sản nhanh hơn, có hiệu quả hơn. Và như vậy chính là để giải quyết một phần lao động địa phương theo hướng ly nông bất ly hương. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tập huấn cho nông dân về nuôi trồng thủy sản, tổng kinh phí cho chương trình trên 7,6 tỷ đồng, bao gồm nhiều dự án nhỏ như cá lồng, thả cá ở hồ đập, sông suối. Khi nghe tỉnh có chính sách tăng cường nuôi trồng thủy sản, ông Lý Văn Dương, xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình vui mừng cho biết: Chỉ cần có hướng dẫn khoa học, có giống tốt, ông sẽ tận dụng diện tích ruộng ngập của gia đình để nuôi cá. Theo ông, đông người làm sẽ có kinh nghiệm, sẽ học hỏi được kiến thức vì nông dân miền núi còn quá xa lạ với nuôi trồng thủy sản.
Có thể nói, Kế hoạch nuôi trồng thủy sản là một bước tiếp của quá trình hoàn thiện các chính sách tạo điều kiện cho người dân có thêm việc làm, cải thiện đời sống, tạo một loại hình thâm canh mới rộng khắp trong dân. Ngay từ khi khởi thảo, nó đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận và như vậy chắc chắn chính sách sẽ đi vào cuộc sống.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()