Kể chuyện một góc trời Âu
Mùa Thu 2016, tôi có dịp trở lại nước Pháp. Khác với 2 năm trước, lần này qua quan sát, tôi thấy một nước Pháp cảnh giác, thắt chặt an ninh. Ở những nơi đông người, nhà ga, trung tâm thương mại, bảo tàng… đều có cảnh sát súng tuốt trần và khám xét rất kỹ túi xách, ba lô của khách bộ hành.
Làng Abi, ngoại ô Toulouse, Pháp. |
So với 2 năm trước, nhìn người dân Pháp đi lại, mua sắm nhộn nhịp hơn và với vẻ bình thản như không hề có chuyện khủng bố, có cảm nhận rằng nước Pháp và châu Âu đang dần bước qua khủng hoảng. Và trên những nẻo đường châu Âu, tôi đã ghi lại vài mẩu chuyện về kinh doanh ở xứ người…
Du lịch không cần… hotel
Nói gì thì cũng phải bắt đầu từ chính câu chuyện của mình. Là một người bình thường, đi du lịch đã là chuyện xa xỉ, huống hồ lại du lịch… trời Âu khi mình chưa thật dư giả. Một bữa ăn ở tiệm giá từ 14 đến 20 euro; phòng khách sạn giá từ 150 đến cỡ 200 euro/ngày… khiến cho dân du lịch phải hết sức tính toán, chi li trong tiêu dùng. Trong chuyến đi này, ngoài thời gian ở Paris, chúng tôi có trở lại Toulouse và đi Vienna (Áo), Budapest (Hungaria). Ở 3 thành phố này, chúng tôi đều không thuê khách sạn vì giá khá mắc mà đến ở nhà dân, giá phòng chỉ dưới 50 euro/ngày.
Nơi nghỉ (đã được đặt trước qua mạng) là những căn hộ bình thường của cư dân bản địa, có thể họ có thừa, không ở đến thì kinh doanh… Căn hộ đầy đủ tiện nghi cho một gia đình sinh sống. Người thuê thì giao dịch, trả tiền cho chủ nhà qua internet banking, đúng ngày giờ đã định đến nhận nhà. Ở đó, bạn sẽ được sống như ở nhà mình, đi khóa về mở, mua bán ở chợ về nhà nấu ăn nếu muốn tiết kiệm.
Đây là phương thức kinh doanh du lịch mới mà ở châu Âu, nơi mà ai cũng nghĩ là giàu có, đang áp dụng rộng rãi. Hôm chúng tôi rời Vienna, muốn xin chủ nhà cho ở nán lại thêm 1-2 giờ nữa mới trả phòng cũng không được vì họ nói đã có khách chờ…
Thủ đô Budapest, Hungaria. |
Khách hàng đúng là thượng đế
Câu nói này rất đúng khi chính chúng tôi trải nghiệm.
Chuyện là trong chương trình đi Áo, ngoài thủ đô Vienna, chúng tôi còn đến Hallstatt, một điểm du lịch đẹp nhất của nước Áo và cũng đang là điểm đến hot nhất thời gian này. Tìm trên Google thì đây là một ngôi làng cổ nghìn năm tuổi, cách Vienna 4 giờ tàu hỏa. Nơi đây phong cảnh, khí hậu tuyệt vời vì có sông, hồ, rừng, núi. Hallstatt đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Thật không ngờ là chuyến đi mơ ước đó lại không thực hiện được bởi chuyến bay của chúng tôi trên máy bay của hãng Easy Jet từ Paris đến Vienna bị hủy. Chúng tôi vừa tiếc vì không đến được Hallsatt vừa tiếc tiền đặt trước ở khách sạn, tiền vé tàu…
Tối hôm bị hủy bay đó, hãng Easy Jet có thu xếp cho gần 200 khách ngủ lại khách sạn của ngành hàng không, có ăn tối với giá 15euro/người để hôm sau bay tiếp.
Vậy mà khi chúng tôi trở lại Paris thì con tôi nhận lại tiền bồi thường đầy đủ từ Easy Jet. Hỏi ra mới biết là cháu đã báo với hãng hàng không và chuyển tất cả các loại chứng từ đặt phòng khách sạn, vé tàu qua smartphone và hãng đã thực hiện đúng phương châm kinh điển trong kinh doanh: “Khách hàng là thượng đế”.
Tôi chắc là ngoài gia đình tôi thì gần 200 hành khách khác trong chuyến bay cũng đều được hãng bay bồi thường chu đáo mà không phải mất thời gian đi lại hay khiếu kiện gì…
Thực phẩm luôn có nguồn gốc
Trong 1 tháng ở châu Âu lần này, chúng tôi cũng đi chợ, mua sắm khá nhiều. Đến chợ, cảm giác chung là sự sạch sẽ, đẹp đẽ và gọn ghẽ đến mức không chê vào đâu được trong cách bày biện hàng hóa, rau quả, thực phẩm tươi sống… Chỉ riêng cảm giác đó đã tạo cho khách hàng một niềm tin về độ an toàn của hàng hóa.
Cũng là cây rau cải thảo, ở Việt Nam, có khi không ai biết xuất xứ từ đâu. Nhưng ở các chợ châu Âu, người ta đề rõ là cải thảo Trung Quốc với chữ China rõ ràng và có mã vạch để truy suất nguồn gốc. Tôi cũng không thấy ai dị ứng với “rau China” cả vì chắc ã được cơ quan nhập khẩu chịu trách nhiệm rồi.
Còn ở quầy bán thịt bò, trong tủ kính lạnh có đến hàng chục mẫu với giá rẻ nhất là 6,99 euro/kg đến hơn 40-50 euro/kg, nghĩa là từ trên 200.000 đồng đến vài triệu đồng một kg. Hỏi sao như vậy thì con tôi cũng dùng smartphone ngay tại chỗ và truy xuất được ngay giá này là của con bò giống gì, nuôi ở đâu, con bò được ăn gì; giá kia là thịt phần nào trên thân thể con bò…
Sân Hoàng cung ở thủ đô Vienna, Áo. |
Muôn mặt chợ trời
Chợ có tên Clignancourt và nằm ở ga cuối cùng tuyến metro số 4. Đây là khu vực phía bắc Paris. Từ chỗ tôi ở (Quận 16), chuyển 2 lần tàu điện ngầm và đi khoảng 1 giờ mới tới nơi. Nhìn thấy cảnh vật ở đây cũng nhốn nháo. Chợ trời chỉ mở cửa ngày thứ Bảy và Chủ nhật nên khách tứ phương kéo về nườm nượp.
Trước khi vào chợ, có một tấm bảng lớn như bản đồ chỉ dẫn và chợ thì rộng mênh mông như một thị trấn. Khắp mọi nơi đều có những thanh niên tay cầm iPhone rao bán.
Ở vòng ngoài chợ là hàng trăm kiosk bày bán đủ loại quần áo, dày giép, túi xách, ba lô, khăn, mũ… lòe loẹt màu sắc. Khung cảnh ồn ã, nhộn nhạo không tả nổi, giá cả, chất lượng hàng hóa cũng nhảy múa chẳng biết thật giả thế nào!
Khác hẳn vòng ngoài là cảnh trầm mặc bên trong. Đây mới là chợ trời đích thực bởi hàng hóa toàn là đồ đã qua sử dụng, chỉ đơn chiếc, người bán hàng phần lớn là người Pháp với vẻ trầm tĩnh, lịch thiệp.
Tôi chỉ có thời gian đi thăm gian hàng đồ nội thất và thật thích thú khi có thể tìm thấy tại nơi này những vật dụng gia đình cách đây 60 năm, như đồng hồ báo thức, cối xay cà phê, xay hạt tiêu bằng gỗ, đĩa sứ kiểu Pháp… Tuy là đồ cũ nhưng giá của những vật dụng ấy không rẻ chút nào, thậm chí còn… đắt hơn đồ mới.
Thế mới biết là giá trị của hàng hóa còn nằm ở tiềm thức của sự hoài niệm lịch sử, đó là giá trị tinh thần trường tồn với thời gian.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()