Jordan bắt hơn 1.600 người vi phạm lệnh giới nghiêm phòng dịch
Jordan ban bố lệnh giới nghiêm sau khi công dân nước này không tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của cơ quan chức năng về hạn chế đi ra ngoài trừ trường hợp khẩn cấp để ngăn chặn dịch lây lan.
Một quan chức an ninh Jordan ngày 24/3 cho biết trong 3 ngày qua, nhà chức trách nước này đã bắt giữ hơn 1.600 người vi phạm lệnh giới nghiêm áp dụng trên cả nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trước thời điểm lệnh giới nghiêm được triển khai thực hiện, Chính phủ Jordan đã khuyến cáo người dân rằng các trường hợp vi phạm sẽ phải cách ly 14 ngày và có thể đối mặt với án phạt lên tới 1 năm tù.
Tính đến ngày 24/3, quốc gia Trung Đông này ghi nhận tổng cộng 153 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, riêng trong ngày 24/3 có 26 ca. Chưa có ca tử vong do COVID-19 tại nước này.
Jordan ban bố lệnh giới nghiêm sau khi công dân nước này không tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của cơ quan chức năng về hạn chế đi ra ngoài trừ trường hợp khẩn cấp để ngăn chặn dịch lây lan. Jordan đã triển khai quân đội giám sát việc thực hiện lệnh giới nghiêm trong toàn dân.
Tại thủ đô Amman, một đội 190 xe buýt đã được huy động để phân phát bánh mì trực tiếp đến từng hộ gia đình, trong khi các hiệu thuốc và các nhà phân phối hàng hóa thiết yếu được phép cung cấp dịch vụ giao hàng tại nhà.
Jordan hiện phong tỏa toàn bộ thủ đô Amman, đình chỉ mọi dịch vụ giao thông công cộng và vận tải hàng không, cấm đi lại giữa các tỉnh thành trong nước.
Tuy nhiên, trong một động thái nới lỏng giới nghiêm, Thủ tướng Jordan Omar Razzaz ngày 24/3 tuyên bố chính phủ sẽ cho phép người dân đi bộ mua rau quả tại các cửa hàng gần nơi cư trú.
Trong khi đó, nhiều nước khác ở khu vực Trung Đông tiếp tục đưa ra các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 trong bối cảnh diễn biến dịch ngày càng phức tạp.
Oman ngày 24/3 thông báo phong tỏa đối với mọi chuyến bay quốc tế và nội địa, bắt đầu từ ngày 29/3 cho đến khi có thông báo mới.
Các chuyến bay vận chuyển hàng hóa và các chuyến bay đến và đi từ tỉnh Musandam, cách thủ đô Muscat 600km, không nằm trong diện phải thực hiện lệnh phong tỏa này.
Cùng ngày 24/3, Chính quyền Palestine kêu gọi Ủy ban Chủ thập đỏ quốc tế (ICRC) hành động để bảo vệ các tù nhân người Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù của Israel trước tình hình dịch bệnh hiện nay.
Thủ tướng Palestine Mohammad Ishtayeh hối thúc ICRC có giải pháp để toàn bộ tù nhân được đưa ra khỏi các nhà tù trong thời kỳ dịch bệnh, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là người già, trẻ em và phụ nữ.
Chính quyền Palestine ghi nhận đã có 60 ca nhiễm SARS-CoV-2 ở các vùng lãnh thổ Palestine, trong đó 50 trường hợp ở Bờ Tây và 2 trường hợp ở Dải Gaza.
Các nước Trung Đông tiếp tục thông báo số ca nhiễm mới trong ngày 24/3. Theo đó, UAE ghi nhận 50 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 248 ca. Ai Cập ghi nhận tổng cộng 402 ca, với 36 ca nhiễm mới. Iraq 316 ca, với 50 ca nhiễm mới…/.
Ý kiến ()