JICA tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của Việt Nam
“Với sự hỗ trợ tích cực của cả hai nước, JICA mong muốn sẽ nỗ lực hơn nữa vì sự phát triển của Việt Nam”, ông Tanaka Akihiko, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khẳng định tại buổi họp báo sáng 27-8, tại Hà Nội.
– “Với sự hỗ trợ tích cực của cả hai nước, JICA mong muốn sẽ nỗ lực hơn nữa vì sự phát triển của Việt Nam”, ông Tanaka Akihiko, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khẳng định tại buổi họp báo sáng 27-8, tại Hà Nội.
Năm 2013 là năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản, là dịp để hai nước tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực, cũng như thúc đẩy giao lưu và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân và các địa phương hai nước. Nhân dịp này, ông Tanaka Akihiko, Chủ tịch JICA đã dành riêng những chia sẻ với phóng viên báo Nhân Dân điện tử.
PV: Thưa ông Tanaka Akihiko, xin ông có thể chia sẻ về chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này?
Ông Tanaka Akihiko: Tôi rất vui mừng được tới thăm Việt Nam, đất nước có quan hệ mật thiết với Nhật Bản và là một trong những quốc gia phát triển mạnh mẽ ở châu Á.
Việt Nam và Nhật Bản đều có chung những vấn đề mang tính khu vực, có quan hệ hỗ trợ lẫn nhau về mặt kinh tế và Việt Nam là một đối tác chiến lược rất quan trọng của Nhật Bản. Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức đã thể hiện điều đó. JICA sẽ nỗ lực hết mình để ODA Nhật Bản giúp tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Trong chuyến công tác lần này, tôi đã tới thăm Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách số hai tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Bệnh viện Bạch Mai, Dự án nâng cao năng lực đảm bảo an toàn sinh học và xét nghiệm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho mạng lưới phòng xét nghiệm…
Với tư cách là đại diện cho JICA, cơ quan thực hiện ODA của Nhật Bản tại Việt Nam, tôi rất vui mừng được nghe những đánh giá cao về việc ODA Nhật Bản đã và đang góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt nam trong nhiều năm.
PV: Ông nhấn mạnh rằng việc tăng cường vốn viện trợ phát triển ODA nhằm hỗ trợ phát triển các nước đang phát triển cũng như giúp phát triển chính đất nước Nhật. Xin ông giải thích rõ hơn về quan điểm này?
Ông Tanaka Akihiko: Nhật Bản không thể tồn tại một cách độc lập như một quốc gia mà phụ thuộc một cách tương hỗ trong quan hệ với các nước trên thế giới. Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, Nhật Bản cần thiết phải tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước khác trên thế giới. Sự phát triển và hòa bình của các nước bạn có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển và hòa bình của Nhật Bản. Từ quan điểm đó, công cuộc hỗ trợ phát triển mà JICA đang thực hiện là một phương thức để Nhật Bản có thể chia sẻ nguồn lợi chung với thế giới.
Lấy Việt Nam làm một thí dụ, sự phát triển kinh tế thuận lợi của Việt Nam sẽ tăng đầu tư của Nhật. Và điều này không chỉ góp phần vào sự tăng trưởng của Việt Nam mà đó cũng là điểm lợi đối với nền kinh tế Nhật Bản. Phát triển cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ODA cũng góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài trong đó có Nhật Bản.
Sự gia tăng số lượng những người hiểu biết và yêu mến Nhật Bản tại Việt Nam đã và đang góp phần to lớn vào tăng cường quan hệ hữu nghị cũng như hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản.
PV: Một trong những vấn đề đầu tiên mà JICA coi trọng là tăng cường sự hiểu biết của người dân về ODA. Tôi ấn tượng về điều này. Ông có thể chia sẻ rõ hơn?
Ông Tanaka Akihiko: ODA Nhật Bản cũng như ngân sách của JICA được hình thành từ tiền thuế của người dân Nhật Bản. Do vậy, trách nhiệm giải trình cho người nộp thuế rất quan trọng không chỉ giới hạn ở các hoạt động ODA. Đặc biệt, để người dân Nhật Bản, những người nộp thuế hiểu rõ được về tính cần thiết và hiệu quả sử dụng ODA đang được thực hiện ở nước ngoài là việc hết sức quan trọng.
Chúng tôi luôn lưu ý thực hiện các chương trình, dự án một cách hiệu quả và hiệu suất cũng như tích cực triển khai các hoạt động truyền thông để có thể tiếp tục nhận được sự hỗ trợ ODA từ những người nộp thuế của Nhật Bản.
PV: Được biết ông có quan hệ chặt chẽ với các trường đại học chủ chốt của Việt Nam và đã từng nhiều lần đến thăm và làm việc tại Việt Nam khi đang công tác tại Đại học Tổng hợp Tokyo. Nhân dịp này xin ông chia sẻ về những hỗ trợ của Nhật Bản cho Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực về khoa học công nghệ trong thời gian tới?
Ông Tanaka Akihiko: Tôi được biết phát triển các trường đại học nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cho đến năm 2020 là một trong những chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Từ nhiều năm trước đây, Nhật Bản đã rất coi trọng cách suy nghĩ này.
Tại Việt Nam, chúng tôi đã triển khai đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu, khoa học kỹ thuật bằng nâng cao năng lực giáo dục, nghiên cứu hướng tới không chỉ các nghiên cứu viên mà cả sinh viên của Việt Nam thông qua thực hiện một số dự án như: Dự án “Nâng cao năng lực của trường Đại học Bách khoa Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh liên kết giữa trường Đại học và cộng đồng địa phương” tại trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Dự án “Tăng cường Năng lực Đào tạo về ITSS” với trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Và gần đây, việc triển khai hợp tác khoa học kỹ thuật quốc tế ứng phó với các vấn đề có quy mô toàn cầu tại trường Đại học Nông nghiệp Hà nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà nội cũng là một thí dụ cho hoạt động hỗ trợ của JICA đối với Việt Nam trong lĩnh vực trên.
Ngoài ra, trong thời gian giảng dạy tại trường Đại học, tôi nhận thấy người Việt Nam rất chăm học. Trong chương trình hỗ trợ lưu học sinh tại Nhật Bản cho trường Đại học Bách khoa Hà Nội, có những học sinh Việt Nam đã tốt nghiệp với thành tích cao nhất, rất ấn tượng tại các trường Đại học của Nhật (Đại học Ritsumeikan).
PV: Ông có thể chia sẻ đôi chút về những ấn tượng sâu sắc của ông về đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt trong dịp hai nước có nhiều hoạt động kỷ niệm Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản này?
Ông Tanaka Akihiko: Trước khi trở thành Chủ tịch của JICA, tôi là nhà nghiên cứu chuyên ngành chính trị quốc tế. Trong các nghiên cứu của mình, tôi đã từng đến thăm Việt Nam hơn 5 lần và có nhiều cơ hội được bàn bạc thảo luận cũng như học hỏi với các nhà nghiên cứu Việt Nam.
Trong quãng thời gian 40 năm quan hệ chính thức giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, tại khu vực Đông Á và Đông – Nam Á đã có rất nhiều biến đổi lớn. Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ đầy sức sống của Việt Nam được coi là một sự kiện có được tác động tốt từ những biến đổi lớn đó. Đặc biệt, trong 20 năm kể từ khi nối lại viện trợ ODA, phát triển của Việt Nam đã đóng vai trò vô cùng to lớn trong sự phát triển của Đông Á .
Trên đây là góc nhìn của một chính trị gia quốc tế, còn với tư cách là một người Nhật đã có mối quan hệ lâu dài với Việt Nam thì điều làm tôi quan tâm sâu sắc là giữa Việt Nam và Nhật Bản có rất nhiều điểm chung quan trọng cả về mặt lịch sử lẫn văn hóa. Tôi nghĩ rằng trong lịch sử Nhật Bản và lịch sử Việt Nam đã có gốc cơ bản để tiếp tục tăng cường mối quan hệ hữu nghị trong tương lai.
Cả Việt Nam và Nhật Bản đều có nền văn minh với lịch sử lâu dài. Điểm lợi thế là phát huy những kinh nghiệm trong quá khứ để có thể xây dựng tương lai. Nhờ sự hợp tác tương hỗ lẫn nhau mà chúng ta, những quốc gia Đông Á, có thể tạo dựng được mối quan hệ hợp tác góp phần phát triển thế giới hơn nữa.
Nhìn về mặt địa lý, cả Việt Nam và Nhật Bản đều là những quốc gia có địa hình dài và hẹp. Đều là những đất nước mà nếu chỉ đến thăm mỗi thủ đô thì không thể hiểu rõ được. Tương tự như sự khác nhau giữa Tokyo và Bắc Nhật Bản thì Việt Nam cũng có sự khác nhau đặc trưng của miền bắc, miền trung, miền nam.
Vì vậy, cả người Việt và người Nhật khi đến thăm quan mỗi nước sẽ rất thích thú với những cảm nhận phong phú khác nhau về văn hóa cũng như địa lý.
Sau hôm nay, tôi sẽ đi thăm Đà Nẵng rồi đến Huế. Ngày mai, tôi sẽ rời Huế sang thăm và làm việc tại Lào bằng xe ô-tô trên tuyến Đại lộ Đông Tây. Tôi rất phấn khích và hứng thú với chuyến đi này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()