Năm 2010, Hà Nội chào đón 1000 năm tuổi và cũng là năm trọng điểm mà Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam “tăng tốc” các dự án ODA có tính chiến lược đối với Thủ đô. Ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam đánh giá cao hiệu quả sử dụng ODA của Nhật Bản và chia sẻ về những ưu tiên hỗ trợ của đối với Thủ đô.
P.V: Xin ông cho biết những công trình sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản tại Hà Nội được hoàn thành trong dịp Đại lễ này?
Ông Tsuno Motonori:Trong vài ngày tới, đường dẫn phía nam cầu Thanh Trì, một phần của Vành đai 3, sẽ được khánh thành. Đây là cây cầu bắc qua sông Hồng, nối từ quốc lộ 5 đến quốc lộ 1, giảm lượng giao thông đi vào nội thành.
Ngoài ra, Hồ Bảy Mẫu và Trạm Bơm Yên Sở là 2 công trình vừa được gắn biển chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà nội. Nhằm tăng cường hơn nữa khả năng chống ngập úng cho thành phố trong mùa mưa, trong giai đoạn 2 của dự án cải thiện môi trường nước, trạm bơm Yên Sở được tăng công suất gấp đôi lên 90m3/s.
Cùng với hàng loạt các công trình hạ tầng quan trọng khác được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật bản như Cầu Thanh Trì, Cầu vượt Ngã Tư Sở, Hầm đường bộ Kim Liên… Các công trình chào mừng Đại lễ đều được thực hiện căn cứ theo Quy hoạch tổng thể của thành phố Hà Nội.
P.V: Xin ông cho biết, tiến độ triển khai hợp phần đường dẫn còn lại của cầu Thanh Trì và đường vành đai 3?
Ông Tsuno Motonori:Hiện dự án xây dựng đường vành đai 3 đang được triển khai, nối từ cầu Thanh Trì đến cầu Thăng Long, chạy vòng qua thành phố Hà Nội. Dự án xây dựng đường vanh đai 3 là xây cầu cạn kéo dài 8,9 km dọc đường vành đai 3. Chúng tôi cũng cấp vốn xây dựng vành đai 3. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực hợp tác của Ban quản lý Thăng Long cũng như các nhà tư vấn, các cơ quan liên quan hợp tác xây dựng công trình này.
Đến 2013, dự kiến sẽ thông toàn diện dự án vành đai 3 giai đoạn 2 và kết thúc dự án cầu Thanh Trì.
P.V: JICA tại Việt Nam “tăng tốc” các dự án ODA đối với thủ đô Hà Nội. Đó là những công trình nào, thưa ông?
Ông Tsuno Motonori:Các dự án ODA có tính chiến lược, trong đó phải kể đến việc hiện đại hóa hệ thống giao thông ở Hà Nội. Đó là cầu Nhật Tân, Nhà ga hành khách số 2 tại Sân bay quốc tế Nội Bài, đường cao tốc mới nối giữa sân bay Nội Bài và cầu Nhật Tân dài hơn 12km, tuyến đường sắt nội đô Hà Nội…
Nhà ga hành khách mới T2 của sân bay quốc tế Nội Bài sẽ được khởi công vào đầu năm 2011, xây dựng với công nghệ từ Nhật Bản, để nâng cao sự an toàn và tiện lợi của công trình. Nhà ga mới của sân bay quốc tế Nội Bài, cửa ngõ quốc tế Thủ đô Hà Nội sẽ đón mười triệu lượt khách mỗi năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không tăng nhanh.
Cầu Nhật Tân còn được coi là cây cầu hữu nghị Việt – Nhật. Vào năm 2014, những công trình tiêu biểu này hoàn thành sẽ trở thành cửa ngõ mới nối Hà Nội với quốc tế. Các công trình tiêu biểu này kết hơp với cầu Thanh Trì và vành đai 3 góp phần hình thành một phần của mạng lưới giao thông hiện đại của Hà Nội và góp phần phát triển kinh tế của thành phố.
Ngoài ra, 18 cầu vượt dành cho người đi bộ đã và đang dần xây dựng, ODA của Nhật Bản đã hỗ trợ công trình mở rộng và nâng cấp Quốc Lộ 5 (đoạn Hà Nội-Hải Phòng) và Quốc lộ 18 (đoạn Hà Nội-Quảng Ninh). Hiện Nhật Bản đang hỗ trợ xây dựng đường cao tốc Quốc lộ 3 (đoạn Hà Nội-Thái Nguyên).
Nhật Bản bắt đầu hợp tác xây dựng đuờng sắt nội đô và tàu điện ngầm cho thành phố Hà Nội (tuyến số 1: đoạn Yên Viên-Hà Nội-Ngọc Hồi. Tuyến số 2: đoạn Trần Hưng Đạo-Nam Long Biên-Nam Thăng Long).
P.V: Ông có thể cho biết cụ thể về tuyến đường sắt nội đô này?
Ông Tsuno Motonori:Vấn đề giao thông đô thị rất phức tạp, cần giải quyết nhiều biện pháp. JICA nỗ lực hỗ trợ giải quyết những nút thắt cổ chai bằng những cây cầu vượt như cầu vượt Ngã Tư Sở. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển kinh tế, không chỉ có nhiều xe máy, mà ngày càng có nhiều ô tô xuất hiện, vì thế gây nên tình trạng ách tắc nhiều hơn. Một phần xây dựng đường sắt đô thị cũng giải quyết phần nào tình trạng này.
Là tuyến đường sắt trên cao, vì thề tiến độ giải phóng mặt bằng trong khu vực này là vô cùng quan trọng. Sau khi hoàn thiện thiết kế và chuẩn bị, đầu năm 2013, công trình sẽ được bắt đầu xây dựng. Nếu không có gì thay đổi, đến năm 2017 sẽ hoàn thành. Tuyến đường sắt nội đô được hy vọng sẽ đóng góp vào cải thiện cơ bản hệ thống giao thông, giảm tình trạng ùn tắc giao thông và cải thiện đáng kể môi trường của thành phố Hà Nội.
P.V: Việc cải thiện môi trường nước cũng được coi là một trong những ưu tiên hỗ trợ vốn vay ODA của Nhật Bản. Những hoạt động hỗ trợ cho lĩnh vực này ở Hà Nội năm nay là gì, thưa ông?
Ông Tsuno Motonori:Dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 tiếp theo giai đoạn nhằm chống ngập cho Hà Nội cũng như để cải thiện môi trường. Cụ thể, ngoài việc mở rộng trạm bơm Yên Sở, xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu với công suất 13.300 m3/ngày, JICA sẽ thúc đẩy xây dựng các hạng mục như tu bổ đường kênh nối với các sông chính, tu bổ các hồ chính là Hồ Me, Hào Nam, Đống Đa, Bảy Mẫu, Phương Liệt, Khương Trung, Tân Mai, Định Công, và Linh Đàm.
Cải thiện năng lực xử lý nước thải là một việc cấp bách cho thành phố. Dự kiến trạm xử lý nước thải hoàn thành vào năm 2013. Trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu ngầm dưới mặt đất, sau khi trạm hoàn thành, nước hồ Bảy Mẫu gồm nước mưa, nước thải sinh hoạt cũng sẽ được xử lý sạch.
P.V: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các công trình vốn ODA đã và đang triển khai tại Hà Nội?
Ông Tsuno Motonori:Từ khi nối lại viện trợ cho Việt Nam vào năm 1992, hỗ trợ vốn ODA của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào khu vực miền bắc và trọng tâm là thành phố Hà Nội. ODA của Nhật Bản ưu tiên vào hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, cải thiện môi trường nước, phát triển công nghiệp và các dịch vụ chăm sóc y tế của Hà Nội.
Tôi rất vui vì cho đến nay, Việt Nam sử dụng một cách hiệu quả nguồn viện trợ ODA để hoàn thành hầu hết các công trình đúng kế hoạch để góp phần phát triển kinh tế cũng như xã hội của thành phố Hà Nội.
Việt Nam vận dụng nhuần nhuyễn giữa nguồn vốn ODA và nỗ lực bản thân để hoàn thành các công trình. Vấn đề khó khăn nhất hiện đối với việc xây dựng các công trình ODA của Nhật Bản hiện nay là giải phóng mặt bằng và tái định cư. Tôi nghĩ, qua các công trình đã hoàn thành, Hà Nội cũng rút kinh nghiệm và tôi tin sẽ nhanh chóng gỡ những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Trong thời gian tới, Việt Nam rất cần hiện đại hệ thống cơ sở hạ tầng của mình. JICA sẵn sàng giúp Việt Nam để góp phần cùng phát triển các cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, môi trường nước, đường sắt trên cao… Trong tuơng lai, chúng tôi dự kiến, bên cạnh viện trợ vốn cùng với thực hiện hợp tác kỹ thuật để nâng cao năng lực kỹ thuật cho cán bộ Việt Nam. Sự hợp tác này đóng góp tích cực cho thành phố Hà Nội.
P.V: Xin chân thành cảm ơn ông!
Ý kiến ()