Du khách Việt Nam mặc sari (trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ) dạo chơi trong Pháo đài Jaisalmer.
Giữa hoang mạc Thar nắng như thiêu đốt, gió cát mịt mù ở tây bắc Ấn Độ, thành phố Jaisalmer nổi tiếng thế giới với tên gọi Golden City (thành phố vàng) bởi sắc vàng óng ả đặc trưng của sa thạch bao phủ mọi pháo đài, đền thờ cho đến khách sạn, nhà dân. Đến Jaisalmer, du khách tựa hồ bước vào một chuyến đi "xuyên không" về thế kỷ 12, khi vùng đất này là một phần trên Con đường tơ lụa rực rỡ và kỳ bí của Ấn Độ, Ai Cập, Ba Tư cổ đại...
"Xứ cát" Jaisalmer là thành phố cuối cùng của bang Rajasthan, Ấn Độ phía giáp biên giới Pakistan. Nơi đây cách thủ đô New Delhi gần 800km, kết nối thuận tiện với cả đường bộ, đường hàng không và đường sắt.
Dù nằm sâu trong hoang mạc mênh mông khô cằn, Jaisalmer vẫn là điểm đến sôi động, hấp dẫn với hàng loạt di sản lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật Ấn Độ.
Đúng như danh xưng "thành phố vàng", ấn tượng đầu tiên trong tầm mắt mọi du khách đặt chân tới Jaisalmer là các sắc độ vàng, vàng đỏ, vàng nâu... của đá sa thạch tạo nên mọi công trình kiến trúc.
Tương tự các địa danh khác trên khắp Ấn Độ, thành phố Jaisalmer cũng có rất nhiều loài chim sinh sống, đặc biệt là bồ câu. Chúng kiếm ăn ngoài môi trường hoang dã, hoặc đôi khi được người dân cho ăn.
Trung tâm Jaisalmer và cũng là khởi nguồn của thành phố này là Pháo đài Jaisalmer (Jaisalmer Golden Fort), một tổ hợp phức tạp nằm trên đồi cao gồm cung điện, thánh đường và các dinh thự tư nhân được bao quanh bởi tường thành và các tháp canh, được xây dựng từ năm 1156 dưới thời vua Rawal Jaisal. Sau 9 thế kỷ, Pháo đài Jaisalmer vẫn nguy nga, vững chãi với các kết cấu chính còn khá nguyên vẹn và nằm trong số những pháo đài lớn nhất thế giới, thu hút hàng triệu lượt du khách ghé thăm mỗi năm.
Ngày nay, phía sau những bức tường vàng lộng lẫy, Pháo đài Jaisalmer chứa hàng trăm ngôi đền, bảo tàng, xưởng thủ công, nhà trọ, quán cà-phê, cửa hàng... Năm 2013, thành cổ này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ngoài danh hiệu “pháo đài sa mạc cổ nhất thế giới”, đây còn là “pháo đài sống” độc nhất vô nhị vì luôn có người định cư, sinh hoạt bên trong qua nhiều thế hệ.
Mỗi ô cửa của các tòa nhà trong Pháo đài Jaisalmer đều được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, mở ra tầm nhìn và cảm xúc "nghìn lẻ một đêm". Hương nước hoa, mùi gia vị thoang thoảng trong không khí. Những vị khách yêu lịch sử, văn hóa thỏa thích mơ mộng và tưởng tượng về thời hoàng kim của những chiến binh dũng mãnh hay thương nhân khôn khéo, những vương tử, những công chúa... trong cổ tích, thần thoại Ả-rập, Trung Đông xa xưa.
Len lỏi qua những lối đi nhỏ trong Pháo đài Jaisalmer, du khách có dịp chiêm ngưỡng, tìm hiểu nghệ thuật bản địa và mua những món quà độc đáo. Hàng loạt quầy hàng trải dài bày vải vóc, thảm thêu, đồ da, tượng gỗ, tranh khảm, giày dép, trang sức... vô cùng "Ấn Độ" với hình ảnh các vị thần, biểu tượng tôn giáo, lạc đà, voi... Người bán hàng rất niềm nở và nhiệt tình, tuy nhiên giá họ đưa ra không phải giá cuối cùng. Theo kinh nghiệm nhiều du khách, người mua có thể mặc cả để giảm khoảng 10-30% tùy loại mặt hàng.
Ngoài đi bộ, người dân còn di chuyển trong Pháo đài Jaisalmer bằng xe máy hoặc xe kéo. Du khách không được phép chụp ảnh quay phim trong các đền thờ, còn ở phía ngoài thì thoải mái bấm máy. Nhìn chung, người Ấn Độ cởi mở và thích chụp ảnh lưu niệm cùng du khách nước ngoài.
Quang cảnh thành phố Jaisalmer nhìn từ đài quan sát trên đỉnh Pháo đài Jaisalmer. Không chỉ các dinh thự cổ từ thời phong kiến mà kể cả nhà ở, khu thương mại, khách sạn được xây gần đây cũng sơn phủ màu vàng như mật.
Ngoài quảng trường, những người hát rong, những vũ công đường phố say sưa biểu diễn nhiều tiết mục âm nhạc truyền thống phục vụ du khách để mưu sinh. Trong sân nhà, trẻ em Ấn Độ hồn nhiên vui chơi nô đùa.
Sau khi tham quan Pháo đài Jaisalmer, hoạt động thú vị tiếp theo là cưỡi lạc đà đi dạo và ngắm hoàng hôn sa mạc. Du khách được "nhập vai" người xưa để du hành qua những triền cát vàng trải dài như vô tận, lênh khênh trên lưng lạc đà.
Ở vùng hoang mạc, lạc đà không chỉ là phương tiện di chuyển và thồ hàng mà còn như một người bạn thân thiết và trung thành của con người. Lạc đà phục vụ du lịch hầu hết đã được thuần hóa, bảo đảm an toàn cho du khách nhí hay người lớn tuổi.
Bên cạnh lạc đà, nhiều du khách cũng lựa chọn thêm trải nghiệm xe Jeep, mô-tô địa hình vượt cát với tốc độ và cảm giác mạnh hơn. Khi mặt trời lặn hẳn, những chiếc xe này sẽ nối đuôi nhau chở các đoàn khách về nghỉ ngơi ở lều trại hoặc các khu dân cư, kết thúc một hành trình kỳ thú trên miền đất "vàng".
Ý kiến ()