ITC đồng hành với Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh doanh nghiệp
Trung tâm thương mại quốc tế Geneva đã và sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam để cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong quá trình tham gia vào thương mại quốc tế.
Đây là khẳng định của bà Arancha Gonzalez, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại quốc tế ITC có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ).
Lãnh đạo Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vài ngày trước chuyến công tác tại Hà Nội, tham dự Hội nghị khu vực Đông Á và Đông Nam Á (Regional Seminar for East and Southeast Asia, tên hội nghị theo chương trình dự kiến do ITC soạn thảo), diễn ra từ ngày 26 đến 28/2 tại Hà Nội, đồng thời gặp gỡ với lãnh đạo một số bộ ngành của Việt Nam, hướng đến tập trung nhiều hơn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp “đầy tiềm năng” của Việt Nam.
Giám đốc điều hành ITC Geneva chia sẻ những hiểu biết về quá trình phát triển của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 20 năm trở lại đây.
Theo đó, ITC và cá nhân bà Arancha Gonzalez đã đồng hành cùng Việt Nam từ quá trình chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, trước năm 2007. |
Bà Gonzalez bày tỏ “rất khâm phục đất nước của các bạn” bởi những nỗ lực mà Việt Nam đã tiến hành trong các thập kỷ gần đây thông qua việc sử dụng thương mại như một đòn bẩy để giảm đói nghèo.
Bà Gonzalez nhấn mạnh kết quả khả quan của quá trình này, hàng chục triệu người dân Việt Nam đã thoát khỏi cảnh nghèo đói nhờ vào việc sử dụng thương mại để tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân, cả nam và nữ giới.
Đề cập đến cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia tích cực hiệu quả hơn vào thương mại quốc tế, Giám đốc điều hành ITC nhấn mạnh việc Việt Nam đã ký kết một loạt các thỏa thuận thương mại trong những năm gần đây với các nước láng giềng, và vượt ra ngoài châu Á, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu dự kiến sắp được ký kết.
Các thỏa thuận thương mại quốc tế này đã, đang và sẽ mang tới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam thêm nhiều cơ hội.
Bà Arancha Gonzalez cũng nhấn mạnh, “cơ hội có, tiếp xúc với thị trường có, điều cần bây giờ là việc tiến hành, thực hiện, đối với các doanh nhân, phải giúp họ cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế.”
Điều này đòi hỏi trước hết phải có một môi trường kinh doanh thuận lợi nhất có thể, giảm thiểu các rào cản với các doanh nghiệp, cần tăng cường các thể chế đồng hành cùng doanh nghiệp trong xuất khẩu.
Chính vì vậy, ITC thực hiện nhiều dự án với Cục Xúc tiến Thương mại Vietrade (thuộc Bộ Công Thương), tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hội nhập quốc tế.
Điều cần thiết nữa là các doanh nghiệp này phải cải thiện chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn hiệu sản phẩm, tiếp cận tài chính, tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất bền vững, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng tại các thị trường có đòi hỏi cao như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Lãnh đạo ITC Geneva đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp “đầy tiềm năng” của Việt Nam.
Nông nghiệp Việt Nam đã có bước chuyển đổi quan trọng, từ canh tác, sản xuất lương thực với mục đích sinh kế, nay tiến đến nền nông nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp với hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn.
Giám đốc ITC bày tỏ lạc quan, “cơ hội rộng mở đối với một nền kinh tế trẻ như Việt Nam, một nền kinh tế đang ngày càng phát triển, được trang bị công nghệ, được số hóa, với đội ngũ nhân lực trẻ, được đào tạo kỹ càng, có chất lượng, để tham gia một cách đầy cạnh tranh vào thương mại quốc tế.”
Thành lập năm 1964, Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC là cơ quan trực thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên hợp quốc, đặt trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ).
Là đối tác phát triển vì sự thành công trong xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ITC đặt mục tiêu trợ giúp các quốc gia đang phát triển và trong quá trình chuyển đổi nhằm đạt được sự phát triển con người bền vững thông qua xuất khẩu.
Cụ thể, ITC đáp ứng yêu cầu trợ giúp của các nước đang phát triển, mong muốn xây dựng và thực hiện các chương trình xúc tiến xuất khẩu, các hoạt động nhập khẩu và kỹ thuật.
ITC cung cấp thông tin, tư vấn về thị trường xuất khẩu, kỹ thuật tiếp thị, giúp thiết lập các dịch vụ xúc tiến và quảng bá xuất khẩu, đào tạo nhân lực cần thiết.
Hiện nay, ITC đang thực hiện dự án hợp tác với Cục Xúc tiến Thương mại Vietrade (thuộc Bộ Công Thương), nhờ tài trợ của Cơ quan Liên bang chuyên trách các vấn đề kinh tế Thụy Sĩ (SECO).
Dự án giúp 6 Hiệp hội ngành nghề và 9 Trung tâm Xúc tiến Thương mại cấp tỉnh trong các lĩnh vực: thủy sản, nông nghiệp, thủ công nghiệp, nhằm xác định các tiềm năng, thế mạnh và hạn chế của các tổ chức trên nhiều khía cạnh, đánh giá tổng quan về hiệp lực giữa các tổ chức, đưa ra các khuyến nghị về các đối tác chính, hỗ trợ khả năng cạnh tranh và hội nhập của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hội nghị khu vực Đông Á và Đông Nam Á, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 26 đến 28/2 với mục tiêu chính là thúc đẩy thảo luận và nâng cao nhận thức về các vấn đề chiến lược khu vực và thế giới.
Hội nghị là cơ hội đào sâu các ý tưởng và cơ chế sáng tạo nhằm tăng cường gắn kết và hợp tác tại khu vực với các đối tác hiện có và đối tác mới trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.
Sự kiện sẽ hội tụ Các Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại các nước Đông Nam Á và châu Á nói chung, Đại diện Cơ quan đối ngoại Liên minh châu Âu, các Cơ quan trực thuộc Ủy ban châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) các cơ quan, tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc (UNDP, UN Women), ASEAN, lãnh đạo các bộ ngành của Việt Nam như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()