Italy thông qua dự luật về tăng cường chống tham nhũng
Hạ viện Italy ngày 18/12 đã thông qua dự luật tăng cường chống tham nhũng trong khu vực công, cũng như cải thiện tính hiệu quả của hệ thống tư pháp với tỷ lệ 304 phiếu thuận và 106 phiếu chống.
Trước đó, dự luật cũng đã được thông qua tại Thượng viện.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, dự luật mới cấm những người từng bị kết tội tham nhũng tham gia vào các vụ đấu thầu của chính phủ trong tương lai, đồng thời tăng mức án đối với các tội danh đưa và nhận hối lộ.
Dự luật cho phép cảnh sát thực hiện các chiến dịch bí mật để điều tra tham nhũng, cũng như khuyến khích tố giác tội phạm tham nhũng trong khu vực công.
Trước đây, cảnh sát chỉ được phép tiến hành những chiến dịch bí mật khi điều tra về mafia hoặc khủng bố. Ngoài ra, dự luật cũng quy định các nghị sĩ phải kê khai các món quà tặng mỗi năm và tổng giá trị các món quà không được vượt quá 500 euro, thấp hơn nhiều so với mức 5000 euro trước đây.
Dự luật còn cho phép nới lỏng thời hiệu truy tố đối với nhiều tội danh, trong đó có tội danh tham nhũng. Lâu nay, các quan tòa ở Italy thường phàn nàn rằng để đưa ra một bản án theo một khung thời hiệu như quy định là điều không thể.
Tuy nhiên, sự thay đổi này sẽ chỉ được áp dụng kể từ năm 2020 theo đề xuất của đảng Liên đoàn. Đảng này cho rằng trước tiên cần phải tiến hành cuộc cải cách nhằm củng cố hệ thống tư pháp với mục đích không để các vụ xét xử bị kéo dài quá lâu.
Dự luật nói trên, do Bộ trưởng Tư pháp Alfonso Bonafede (An-phông-xô Bô-na-phê-đê) thuộc đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) đệ trình hồi tháng 9/2018, được coi là nỗ lực mới nhất của Italy nhằm chống nạn tham nhũng.
Dự luật cũng được đánh giá là nhằm tăng cường cho những đạo luật được thông qua vào năm 2012 và 2015 mà dường như đã tỏ ra không hiệu quả trong việc chống lại vấn nạn này.
Lâu nay, chống tham nhũng là một trong những khẩu hiệu của đảng M5S nhằm thu hút cử tri Italy.
Italy xếp thứ 54 trong bảng xếp hạng về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2017 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế và là một trong những nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có mức xếp hạng thấp nhất.
Bên cạnh đó, số liệu mới nhất của EU cho thấy Italy có hệ thống pháp lý chậm chạp nhất trong khối. Trung bình, mỗi vụ án dân sự hoặc thương mại ở Italy phải cần tới 1.400 ngày để hoàn tất.
Đa số các nước chỉ cần khoảng thời gian dưới 400 ngày để kết thúc các vụ xét xử./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()