Italy loay hoay đối phó với vấn nạn di cư
Trung tuần tháng 4, Chính phủ Italy đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do “sự gia tăng đột biến” về số lượng người di cư đến bờ biển nước này qua Địa Trung Hải. Đây là lần đầu tiên Italy áp dụng một biện pháp quyết liệt như vậy kể từ năm 2011-đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu.
Quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài trong 6 tháng sẽ giúp Chính phủ Italy được quyền phân bổ ngay khoản ngân sách ban đầu trị giá 5 triệu euro cho việc tạo ra “các cấu trúc mới, phù hợp cho cả việc trú ẩn cũng như xử lý và hồi hương những người di cư không đủ điều kiện để ở lại”. Điều đó cũng có nghĩa là Rome sẽ cho hồi hương phần lớn người di cư, trong một nỗ lực kéo dài nhiều năm nhằm trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp, Euronews cho hay.
Trước đó, những cải cách về chính sách nhập cư liên quan đến quy chế “bảo vệ đặc biệt” đã khiến cơ hội nhập cư vào Italy trở nên rộng mở hơn đối với bất kỳ ai bị ngược đãi ở đất nước của họ vì các nguyên nhân như chủng tộc, giới tính, tôn giáo, quan điểm chính trị… Chỉ riêng năm 2022, có khoảng 10.000 người di cư đủ tiêu chuẩn được hưởng quy chế “bảo vệ đặc biệt” của Italy và do đó, được chấp thuận nhập cư vào quốc gia này.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy phát áo phao và giải cứu người di cư trên biển Địa Trung Hải. Ảnh: Reuters |
Tình hình nay đã khác, khi Italy đang chứng kiến số lượng người di cư đến nước này tăng đột biến kể từ đầu năm. Dữ liệu của Bộ Nội vụ Italy cho hay, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay đã có khoảng 31.000 người di cư đến Italy, nhiều gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều tàu thuyền được trang bị thô sơ chở người di cư bất hợp pháp đã gặp nạn trên tuyến đường biển qua Địa Trung Hải, gây ra hàng loạt thảm họa di cư khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Tổ chức Di cư Quốc tế đánh giá, băng qua Địa Trung Hải là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới, trong khi người di cư thường chen chúc trên những chiếc thuyền ọp ẹp, mất an toàn nên tai nạn thường xuyên xảy ra.
Lượng người di cư được dự báo sẽ tiếp tục tăng vọt khi thời tiết khu vực này trở nên ấm áp hơn trong giai đoạn chuyển giao từ xuân sang hè. Bằng chứng là chỉ trong 3 ngày của tháng 4, cơ sở tiếp nhận người di cư tại đảo Lampedusa của Sicilia-nơi được coi là cửa ngõ của châu Âu ở Địa Trung Hải-có sức chứa khoảng 800 người, đã phải tiếp nhận tới 3.000 người di cư, gần gấp 4 lần sức chứa tối đa.
Dĩ nhiên thời tiết thuận lợi không phải là lý do duy nhất cho sự gia tăng lượng người di cư vào Italy. Khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, bạo lực và xung đột gia tăng… là những nguyên nhân chính khiến nhiều người dân ở các nước như Libya, Tunisia, Côte d’Ivoire, Guinea, Pakistan… quyết định rời bỏ quê hương đi tìm miền đất mới.
Bất kể nguyên nhân nào, nếu không có biện pháp kịp thời ngăn chặn, Bộ Nội vụ Italy dự đoán nước này có thể phải tiếp nhận 400.000 người nhập cư bất hợp pháp trong năm 2023, một con số cao kỷ lục. Việc quá tải trầm trọng tại các điểm tiếp nhận, thiếu nhân sự, nguồn lực để xử lý vấn đề người di cư dẫn tới sự vỡ trận các dịch vụ chăm sóc y tế, cung cấp thực phẩm, nơi ở… cùng với sự tắc nghẽn trong xử lý yêu cầu xin tị nạn. Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều người di cư bất hợp pháp trở thành con mồi của các tổ chức tội phạm ở Italy.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp lần này cho phép Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni siết chặt các quy định nhập cư, được hy vọng sẽ góp phần ngăn cản người di cư thực hiện hành trình đầy nguy hiểm từ Bắc Phi đến Italy, giúp ngăn chặn những thảm kịch như vụ việc 93 người di cư thiệt mạng do đắm tàu tại khu vực phía Nam Calabria hồi tháng 2. Tuy nhiên, đây mới chỉ là biện pháp ngắn hạn tạm thời. Chính phủ Italy vừa kêu gọi một nỗ lực phối hợp giữa các nước châu Âu nhằm đưa ra chính sách chung trong kiểm soát, quản lý các tuyến đường di cư bất hợp pháp, đồng thời “có động thái can thiệp phù hợp” vào các quốc gia nơi xuất phát của người di cư để giảm thiểu vấn nạn này.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/italy-loay-hoay-doi-pho-voi-van-nan-di-cu-725166
Ý kiến ()