Italy kiên quyết từ chối tiếp nhận người di cư giải cứu trên biển
Ngày 20/7, chiến lược về vấn đề người di cư của Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục vấp phải rào cản lớn, sau khi Italy kiên quyết từ chối cho phép tiếp nhận người di cư được giải cứu ngoài khơi và Libya bác bỏ việc thành lập các trung tâm tiếp nhận.
Trong thư gửi Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini (Phê-đê-ri-ca Mô-ghê-ri-ni), Ngoại trưởng Italy Enzo Moavero Milanesi (En-dô Mô-a-vê-rô Mi-la-nê-xi) nêu rõ Italy không muốn là quốc gia duy nhất đón nhận những người di cư được chính lực lượng hải quân của họ giải cứu ngoài khơi lên bờ.
Lập trường của Italy và các vấn đề liên quan đã được đem ra thảo luận tại một phiên họp của các quan chức EU ở Brussels (Bỉ). Tại cuộc họp này, các nhà ngoại giao đã nhất trí xem xét lại các chiến dịch hải quân của liên minh. Italy hiện đang chỉ huy chiến dịch quân sự Sophia của EU được triển khai từ năm 2015 sau hàng loạt các vụ đắm tàu tại Địa Trung Hải. Một quan chức ngoại giao EU tham gia thảo luận khẳng định chiến dịch này sẽ được duy trì. Hiện các bên nỗ lực đạt được nhất trí về hành động tương lai trong khuôn khổ cơ chế của EU và một lộ trình rõ ràng.
Trước đó, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte (Giu-dép-pê Con-tê) cũng đã gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Jean-Claude Juncker (Giăng Clốt Giăng-cơ), trong đó nhấn mạnh Italy sẽ không nhận thêm người di cư từ Địa Trung Hải cho đến khi các nước thành viên khác đón nhận một phần trong số này. Đáp lại, ông Juncker đã nhất trí sẽ nỗ lực tìm ra quốc gia nào đồng ý tiếp nhận người di cư được giải cứu cho đến khi có một cơ chế rõ ràng về việc ai sẽ chịu trách nhiệm.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn báo Bild của Đức, Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj (Phây-ét An Xê-rai) cho biết nước này bác bỏ kế hoạch của EU thành lập các trung tâm tiếp nhận người di cư tại Libya để ngăn chặn những người xin tị nạn tới Tây Âu, đồng thời nhấn mạnh các biện pháp hỗ trợ tài chính sẽ không thể làm lay chuyển quan điểm này. Theo ông, các nhà lãnh đạo EU nên tập trung vào việc gây áp lực đối với các quốc gia là nơi xuất phát của dòng người cư để ngăn chặn những người này khởi hành ngay từ đầu.
Libya là điểm đến chủ yếu của người di cư tìm cách tới châu Âu trên những chiếc thuyền ọp ẹp do những các đối tượng buôn người cung cấp. Đa số những người di cư đến từ Trung Đông, châu Phi và Nam Á. Trước đó, EU cũng đã đề nghị thành lập trung tâm tiếp nhận người tị nạn tại Ai Cập, Maroc và Tunisia, nhưng các nước này đều từ chối.
Tháng trước Italy đã đề xuất thành lập các trung tâm tiếp nhận và nhận dạng để sàng lọc người di cư tại châu Phi, như một biện pháp nhằm giải quyết những chia rẽ giữa các nước thành viên EU về cách thức ứng phó với làn sóng hơn 1 triệu người di cư tới châu Âu kể từ năm 2015. Theo thống kê của Tổ chức Di trú quốc tế (IMO), từ đầu năm 2018 đến ngày 18/7 vừa qua, 51.782 người di cư và tị nạn đã đến được châu Âu bằng đường biển, thấp hơn so với mức 110.189 người ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái và giảm hơn 4 lần so với năm cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, tổng số người di cư thiệt mạng từ đầu năm đến nay là gần 1.500 người./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()