Italy khắc phục hậu quả trận lụt lịch sử tại Venice
Du khách lội nước trên Quảng trường St. Mark, tại Venice, ngày 16-11.
Theo truyền thông địa phương, Chính phủ Italy vẫn duy trì các quỹ khẩn cấp đặc biệt đối với những khu vực hứng chịu thiên tai trên cả nước. Chương trình của Rome gồm hoãn các khoản thanh toán thế chấp cho người dân tại Venice trong vòng một năm, cấp tới 5.000 euro cho mỗi cá nhân và 20 nghìn euro cho mỗi cơ sở thương mại để hỗ trợ chi phí dọn dẹp sau trận lụt. Người dân và doanh nghiệp tại đây còn được hoãn chi trả nhiều khoản thanh toán thuế khác. Ngay sau khi nước rút, Chính phủ Italy sẽ hỗ trợ thêm tiền để sửa chữa và gia cố các khu vực công cộng tại TP Venice. Ủy ban châu Âu cũng sẽ hỗ trợ Italy khắc phục hậu quả của thảm họa sau khi giới chức nước này đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trong tuần qua, hai đợt triều dâng liên tiếp đã nhấn chìm Venice, trong đó đợt triều dâng ngày 12-11 (1,87 m) là mức cao nhất kể từ năm 1996. Khoảng 80% diện tích thành phố chìm trong nước. Đợt ngập lụt này khiến ít nhất hai người thiệt mạng và nhiều công trình văn hóa bị hư hại. Chính phủ Italy buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại Venice.
Thị trưởng TP Venice Luigi Brugnaro cho rằng: “Trận ngập lụt này xảy ra ngay tại trung tâm của thành phố và cần có kinh phí và lao động miệt mài để đưa thành phố trở lại như trước đây”. Thông qua mạng xã hội, ông Brugnaro cũng kêu gọi các cá nhân, tổ chức trên thế giới hỗ trợ các nỗ lực của Venice khắc phục hậu quả thiên tai.
“Venice là niềm tự hào của toàn thể đất nước Italy và là di sản của tất cả mọi người, là duy nhất trên thế giới. Với sự giúp đỡ của các bạn, Venice sẽ tỏa sáng trở lại”, ông Brugnaro chia sẻ.
Ngày 18-11, tại Venice, các trường học đã mở cửa trở lại, trong khi người dân và các nhân viên cửa hàng đang vệ sinh, dọn dẹp lớp bùn đất, nước bẩn do đợt ngập lụt từ ngày 12-11 để lại. Tuy nhiên, theo dự báo, vẫn còn nguy cơ xuất hiện mưa lớn và ngập lụt tại nhiều khu vực của Venice.
Theo Nhandan
Ý kiến ()