Italy cứu nghìn người lênh đênh trên biển
Lực lượng Bảo vệ bờ biển của Italy hôm 28/8 cho biết đã cứu được khoảng 1.100 người di cư trên các con thuyền ở eo biển Sicily.
Những người được cứu thoát trên 8 chiếc xuồng hơi, một tàu lớn và 2 thuyền đáy bằng trong 11 chiến dịch cứu hộ của lực lượng Bảo vệ bờ biển Italy trên biển Địa Trung Hải.
Italy là tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu 3 năm qua. Các số liệu mới nhất từ Tổ chức Di trú Quốc tế cho thấy có khoảng 105.342 người di cư đã đến Italy bằng thuyền trong năm nay, nhiều người trong số này từ Libya. Có khoảng 2.726 người thiệt mạng trong cùng thời điểm khi đang trên hành trình.
Phát biểu trước báo giới ở Roma hôm 23/8, Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano cho rằng giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư phải là vấn đề ưu tiên và cấp thiết đối với Liên minh châu Âu (EU) hơn so với sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU) vì trong chừng mực nào đó, việc ra đi này của Anh sẽ giúp EU định hình con đường mới cho khối này.
Theo ông Angelino Alfano, EU hiện đang phải đối mặt với 2 thách thức chủ yếu, đó là giải quyết vấn đề tăng trưởng kinh tế và khủng hoảng nhập cư. Bộ trưởng Nội vụ Italy nhấn mạnh EU phải cẩn trọng về cách thức giải quyết với những thách thức này vì nếu chỉ quan tâm giải quyết vấn đề kinh tế mà bỏ qua vấn đề nhập cư thì những người châu Âu sẽ sợ hãi và cảm thấy không an toàn. Ông cũng tiết lộ Italy đã đề xuất kế hoạch 'Migration Compact” để giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư hiện nay.
Tháng 9/2015, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch tái định cư những người nhập cư vào EU thông qua việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận dựa trên việc chia sẻ trách nhiệm đối với 120.000 người nhập cư đang tạm trú tại Italy, Hy Lạp. Tuy nhiên, rất nhiều nước thành viên của EU, trong đó Ba Lan, Hungary, Czech và Slovakia đã từ chối hạn ngạch này và gây ra sự chia rẽ trong nội bộ EU.
Kể từ đầu năm 2015, khoảng 1,3 triệu người xin tị nạn, chủ yếu trốn chạy khỏi nội chiến tại Syria và Iraq, đã đổ dồn về châu Âu, làm suy giảm nhiều nguồn lực và gây bức xúc đối với người dân của nhiều quốc gia. Những quan ngại xung quanh vấn đề người nhập cư là một trong những lý do khiến người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 vừa qua.
Tìm phần tử thánh chiến trong các trại tị nạn
Trong một diễn biến khác, truyền thông Hy Lạp ngày 28/8 cho biết, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) sẽ cử khoảng 200 nhân viên tới Hy Lạp trong những tuần tới để phối hợp tác với cảnh sát nước này tìm kiếm phần tử thánh chiến tại các trại tị nạn.
Giám đốc Europol Rob Wainwright đã xác nhận chiến dịch trên và cho biết các cảnh sát sẽ truy tìm bất cứ kẻ cực đoan nào giả dạng người tị nạn bằng việc sử dụng giấy tờ giả và có ý định đi tới những quốc gia châu Âu khác.
Sau các cuộc tấn công khủng bố ở Paris vào năm 2015, điều tra của cảnh sát cho thấy một số thủ phạm trong những vụ tấn công đó đã vào châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ trên các thuyền chở người tị nạn và đi qua những điểm nóng trên các đảo Hy Lạp.
Kể từ đầu năm 2015, hơn 1 triệu người đã cập bến Hy Lạp để chạy trốn chiến tranh và nghèo đói. Nhiều người trong số này vẫn tiếp tục hành trình đến các nước châu Âu khác. Khoảng 57.000 người tị nạn và di cư vẫn đang bị mắc kẹt tại Hy Lạp sau khi các khu vực biên giới miền Bắc nước này đóng cửa vào tháng 2 vừa qua. Nhiều nước châu Âu lo ngại nhiều phần tử thánh chiến Hồi giáo đã trà trộn vào các dòng người di cư, gây ra mối hiểm họa rất lớn về an ninh cho các nước EU.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()