Italia và vai trò cầu nối giữa châu Âu và châu Phi
Italia mong muốn trở thành cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa châu Âu và châu Phi thông qua việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh “Italia-châu Phi: Cầu nối cho tăng trưởng chung”. Ðây là sự kiện quốc tế đầu tiên mà Rome đăng cai tổ chức kể từ khi đảm nhận chức Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).
Thủ tướng Giorgia Meloni phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Italy-châu Phi ở Rome ngày 29/1. (Nguồn: AP/TTXVN) |
Thủ tướng Giorgia Meloni nhấn mạnh, Italia đang đưa ra sự lựa chọn chính sách đối ngoại chính xác và dành cho châu Phi vị trí danh dự trong chương trình nghị sự G7.
Hội nghị diễn ra tại thủ đô Rome với sự tham dự của Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, 25 nhà lãnh đạo châu Phi, cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola. 5 điểm chính của Kế hoạch Mattei mà Italia đưa ra được tập trung thảo luận tại hội nghị là giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, y tế, năng lượng và nước sạch, những vấn đề đang được cả hai châu lục chú trọng đẩy mạnh hợp tác.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Meloni nhấn mạnh, “châu Âu và thế giới không thể nghĩ về tương lai mà không tính đến châu Phi; tương lai của chúng ta chắc chắn phụ thuộc vào châu Phi. Do nhận thức được điều này, chúng tôi muốn thực hiện phần việc của mình”. Bà đồng thời thông báo rằng, khoản phân bổ ban đầu của Kế hoạch Mattei nhằm tái thiết lập quan hệ của Italia với châu Phi với nguồn tài trợ ban đầu là hơn 5,5 tỷ euro, bao gồm cả khoản bảo lãnh công cho các dự án đầu tư và 3 tỷ euro từ một quỹ khí hậu quốc tế được thành lập vào năm 2021. Chính phủ của Thủ tướng Meloni sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu (EU).
Việc Italia là cầu nối giữa châu Phi và châu Âu được xây dựng từ những nền tảng vững chắc mà nhà sáng lập tập đoàn dầu khí quốc doanh Eni, ông Enrico Mattei đã đưa ra từ những năm 1950. Thủ tướng Italia mong muốn viết một chương trong lịch sử quan hệ, sự hợp tác giữa các đối tác bình đẳng giữa Italia nói riêng và châu Âu nói chung với châu Phi. Là một trong những quốc gia thuộc tuyến đầu phải hứng chịu những tác động tiêu cực của làn sóng người di cư từ châu Phi, Italia muốn phối hợp các quốc gia ở hai châu lục giải quyết tận gốc vấn đề này. Ðó là giúp châu Phi tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân thông qua các dự án phát triển.
Ðể thúc đẩy sự hỗ trợ của châu Âu dành cho châu Phi, góp phần hiện thực hoá các mục tiêu phát triển ở Lục địa đen, Kế hoạch Mattei mà Italia đưa ra đã đề cập hàng loạt lĩnh vực quan trọng. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, kế hoạch này sẽ đưa ra các biện pháp can thiệp nhằm thúc đẩy đào tạo, điều chỉnh chương trình giảng dạy, khởi động các khóa đào tạo và chuyên môn mới phù hợp nhu cầu của thị trường lao động và hợp tác với các doanh nghiệp, đặc biệt là có sự tham gia của các doanh nghiệp Italia.
Thúc đẩy sự phát triển ở châu Phi là một trong những ưu tiên được Thủ tướng Meloni đưa ra trong bối cảnh Italia đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên G7 trong năm 2024, và là một chủ đề trọng tâm của G7.
Các biện pháp hỗ trợ trong nông nghiệp hướng tới thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm và hỗ trợ phát triển nhiên liệu sinh học không hóa thạch. Một trọng tâm nữa là tăng cường hệ thống y tế, cải thiện năng lực địa phương về mặt quản lý, đào tạo và việc làm trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe, phát triển các chiến lược và hệ thống phòng ngừa cũng như ngăn chặn các mối đe dọa sức khỏe, đặc biệt là đại dịch và thiên tai.
Năng lượng cũng là một lĩnh vực trọng tâm của Kế hoạch Mattei. Mục tiêu là biến Italia thành trung tâm năng lượng, cầu nối thật sự giữa châu Âu và châu Phi. Trong bối cảnh kết nối giữa khí hậu và năng lượng, mọi biện pháp hỗ trợ sẽ được thực hiện để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và năng lượng tái tạo, với các hành động nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các hệ thống điện, đặc biệt là sản xuất điện từ các nguồn tái tạo cũng như cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối điện.
Italia cũng cam kết việc phát triển tại chỗ các công nghệ ứng dụng vào năng lượng thông qua thành lập các trung tâm năng lượng đổi mới, nơi các công ty Italia sẽ có thể lựa chọn các công ty khởi nghiệp địa phương, qua đó hỗ trợ việc làm và phát triển nguồn nhân lực.
Sự khan hiếm nước ở châu Phi là một trong những yếu tố chính liên quan mất an ninh lương thực, xung đột và di cư. Bởi thế, bảo đảm nguồn cung nước sạch cho người dân trong châu lục cũng cần sự hỗ trợ từ các nước châu Âu. Trong khuôn khổ sáng kiến này, các biện pháp hỗ trợ sẽ liên quan việc duy trì các điểm cấp nước đã có; đầu tư vào mạng lưới phân phối; nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động liên quan việc sử dụng nước sạch. Tất cả các trụ cột này được kết nối với nhau bằng những sáng kiến về cơ sở hạ tầng, vừa mang tính tổng thể vừa có tính đặc thù cho từng lĩnh vực.
Thúc đẩy sự phát triển ở châu Phi là một trong những ưu tiên được Thủ tướng Meloni đưa ra trong bối cảnh Italia đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên G7 trong năm 2024, và là một chủ đề trọng tâm của G7. Hỗ trợ phát triển kinh tế châu Phi và nâng cao mức sống của người dân châu lục này sẽ góp phần ngăn chặn làn sóng người di cư đến châu Âu, vì lợi ích chung của cả hai châu lục.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()