Italia và Pháp hướng tới những mục tiêu chung
Thủ tướng Italia Giorgia Meloni vừa có chuyến thăm Pháp đầu tiên kể từ khi bà lên nắm quyền tháng 10/2022. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo hai quốc gia châu Âu thảo luận về những tham vọng chung nhằm tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt thúc đẩy Hiệp ước Quirinale được ký năm 2021 về định hình quan hệ Italia-Pháp trong nhiều lĩnh vực từ quốc phòng, kinh tế, thương mại, văn hóa cho đến vấn đề nhập cư.
Thủ tướng Italia Giorgia Meloni. (Ảnh: Reuters/TTXVN) |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Giorgia Meloni ca ngợi mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước và cam kết hợp tác nhiều hơn nữa trong tương lai, đánh dấu sự tan băng trong quan hệ giữa Pháp và Italia. Quan hệ hai nước thời gian qua trải qua nhiều sóng gió do các phát ngôn chỉ trích lẫn nhau trong việc giải quyết vấn đề nhập cư. Chủ đề nhập cư-vấn đề căng thẳng nhất giữa hai nước, được đưa ra thảo luận và các nhà lãnh đạo hai nước nhất trí tiếp tục phối hợp giải quyết hiệu quả vấn đề tị nạn và nhập cư ở châu Âu.
Là điểm đến hàng đầu của những người di cư từ châu Phi, Trung Đông và nhiều khu vực khác trên thế giới, Italia luôn kêu gọi các thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác phối hợp ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp vào châu Âu và san sẻ gánh nặng người nhập cư. Theo ước tính, hơn 56.000 người di cư đã cập bến Italia năm 2022, trong đó phần lớn thông qua tuyến đường vượt biển Địa Trung Hải đầy nguy hiểm. Tổng thống Macron cho rằng, châu Âu sẽ không có chính sách di cư thành công nếu thiếu một hệ thống bảo vệ biên giới thống nhất.
Châu Âu sẽ không có chính sách di cư thành công nếu thiếu một hệ thống bảo vệ biên giới thống nhất.
Tổng thống Macron
Bất chấp những tranh cãi tồn tại giữa hai chính phủ, cuộc gặp tại Paris của lãnh đạo hai nước đã làm nổi bật những điểm chung. Đối với Tunisia, nơi đang chứng kiến những diễn biến xấu đi khi quốc gia Bắc Phi này trở thành một trong những điểm trung chuyển phổ biến nhất để nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu, hai nước khẳng định có tầm nhìn chung về việc ổn định tình hình Tunisia trong khi chờ đợi phản ứng của châu Âu và quốc tế.
Tổng thống Pháp khẳng định tầm quan trọng của việc hỗ trợ tài chính cho Tunisia để kiểm soát tình trạng di cư trái phép sang EU. Trong vấn đề này, Paris có chung quan điểm với Rome về tính chất cấp bách và mong muốn có một thỏa thuận hiệu quả khi chờ đợi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đạt được tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Meloni nêu rõ: “Dựa trên cuộc đối thoại hôm nay, chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau nhiều hơn và tốt hơn, xem xét các vấn đề quan trọng nhất và hiểu cách củng cố đối thoại chung để mang lại lợi ích cho cả hai nước và lợi ích của châu Âu”. Thủ tướng Meloni nêu rõ, Italia và Pháp cần tham gia đối thoại, trước khi nhấn mạnh các lĩnh vực mà hai nước có chung tầm nhìn. Thủ tướng Meloni kêu gọi đối thoại với các nước Bắc Phi để đưa ra các giải pháp thay thế nhằm khuyến khích di cư hợp pháp và triệt phá mạng lưới buôn người.
Ngoài vấn đề người di cư, bà Meloni còn khẳng định sự cần thiết phải tái công nghiệp hóa lục địa châu Âu do EU đang phải đối mặt sự chuyển đổi kép về khí hậu và kỹ thuật số để đạt được quyền tự chủ chiến lược hoàn toàn. Trong khi đó, Tổng thống Macron mô tả cuộc thảo luận là “thẳng thắn, tham vọng và đòi hỏi khắt khe”. Sau cuộc họp, Điện Élysée cho biết, cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo đã tạo ra sự hội tụ về các chủ đề cùng quan tâm.
Tổng thống Macron và Thủ tướng Meloni đã đồng ý hỗ trợ sự quản trị kinh tế mới và quỹ đầu tư chung do Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề xuất. Đối với vấn đề năng lượng, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sự cần thiết của một cách tiếp cận trung hòa, nghĩa là năng lượng phải được khử carbon, bất kể nguồn gốc của chúng, dù là hạt nhân hay các năng lượng khác.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Italia cũng vận động nhà lãnh đạo Pháp dành sự ủng hộ cho Italia trong việc chạy đua đăng cai sự kiện Triển lãm thế giới sẽ diễn ra năm 2030.
Tổng thống Pháp nói về mối quan hệ độc đáo giữa Italia và Pháp, một “tình bạn đôi khi có thể có tranh cãi, nhưng luôn trong khuôn khổ tôn trọng”. Dù còn những bất đồng, song hai quốc gia thành viên EU vẫn ưu tiên thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của cả hai bên và vì những mục tiêu chung của EU.
Ý kiến ()