Italia ứng phó tình trạng thiếu nước nghiêm trọng
Chính phủ Italia đang lên kế hoạch ứng phó trong bối cảnh nhiều chuyên gia dự báo nước này sẽ trải qua năm hạn hán thứ 2 liên tiếp. Tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đe dọa gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp và ảnh hưởng hoạt động sản xuất thủy điện của đất nước hình chiếc ủng.
Kênh đào ở Venice, Italia khô cạn. (Ảnh REUTERS) |
Thành phố Venice, miền bắc Italia, nơi vấn đề lụt lội thường là mối bận tâm lớn, nay lại đối mặt tình trạng các kênh đào cạn nước. Những chuyên gia thuộc Legambiente – tổ chức môi trường lớn nhất của Italia cho rằng, thời tiết khô hạn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng bất thường nêu trên. Không chỉ tại Venice, các dòng sông và hồ ở quốc gia châu Âu này cũng đang thiếu nước trầm trọng.
Sông Po, con sông dài nhất Italia, ghi nhận lượng nước ít hơn 61% so mức bình thường. Tại khu vực Pavia của thung lũng sông Po, mực nước hiện thấp hơn 3m so mực nước biển. Lượng nước tại hồ Garda ở miền bắc cũng chạm mốc thấp kỷ lục trong 35 năm qua.
Hội đồng Nghiên cứu quốc gia của Italia cho biết, năm 2022, mưa ở miền bắc nước này giảm 40% và không có dấu hiệu cải thiện trong những tháng đầu năm 2023 sau khi trải qua một mùa đông ít mưa và tuyết. Lượng tuyết rơi trên dãy núi Alps chưa bằng một nửa so với bình thường. Hiện tình trạng thiếu nước đã lan ra 30% diện tích cả nước và 40% diện tích miền bắc Italia, gây ảnh hưởng hoạt động của 300.000 trang trại. Các nhà khoa học nhận định, thời tiết khô hanh kéo dài nhiều tuần qua khiến Italia đứng trước nguy cơ đối mặt một đợt hạn hán vào mùa hè năm 2023.
Thiếu nước đã trở thành thảm họa đối với mùa màng ở miền bắc Italia. Theo Hiệp hội nông dân Italia, hạn hán do lượng mưa thấp kỷ lục và nắng nóng kéo dài vào năm 2022 đã gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp hơn 6 tỷ euro. Giữa năm 2022, Italia đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp đối với các khu vực giáp sông Po khi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua hoành hành.
Nếu kịch bản này tiếp tục tái diễn trong năm nay, các chuyên gia cảnh báo, 1/3 sản lượng nông nghiệp có thể gặp rủi ro, bởi thung lũng sông Po là vựa lương thực, nơi sản xuất khoảng 40% lương thực của Italia, bao gồm các sản phẩm chủ đạo như lúa mì và gạo. Con sông này cũng là nơi chứa nước ngọt lớn nhất Italia. Nếu mực nước sông quá thấp, tình trạng xâm nhập mặn gia tăng sẽ khiến không thể sử dụng nước để tưới tiêu cho đất nông nghiệp.
Tình trạng thiếu nước không chỉ cản trở sản xuất lương thực mà còn khiến hoạt động sản xuất năng lượng bị đình trệ. Khoảng 55% sản lượng thủy điện của Italia đến từ các nhà máy thủy điện sông Po và các phụ lưu. Nếu nước sông Po cạn kiệt, nhiều nhà máy sẽ phải ngừng hoạt động. Đây là bài toán khó đối với Chính phủ Italia, nhất là vào thời điểm cuộc xung đột ở Ukraine đang tiếp tục gây áp lực lớn đối với thị trường năng lượng châu Âu.
Trước những nguy cơ nêu trên, Chính phủ Italia đang soạn thảo kế hoạch ứng phó tác động của nạn hạn hán nghiêm trọng. Theo truyền thông Italia, kế hoạch dự kiến bao gồm một chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng có trách nhiệm các nguồn nước. Ngoài ra, những thủ tục liên quan việc giải quyết tình trạng khẩn cấp do khủng hoảng nước cũng được đơn giản hóa. Bộ Môi trường Italia không loại trừ phương án phân bổ nước ở một số vùng hạn hán.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước hiện nay là do kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, bộ này đề xuất lập kế hoạch cải thiện hoạt động của các mương dẫn nước, vốn có tỷ lệ rò rỉ lên đến gần 50%, đồng thời quy hoạch lại hệ thống hồ chứa.
Các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến các đợt nắng nóng, hạn hán xảy ra ngày càng thường xuyên, nhất là tại châu Âu. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các nước trên thế giới cần nhanh chóng triển khai giải pháp thích ứng, nhằm hạn chế tác động nghiêm trọng của những hiện tượng thời tiết cực đoan đối với nền kinh tế và cuộc sống người dân.
https://nhandan.vn/italia-ung-pho-tinh-trang-thieu-nuoc-nghiem-trong-post741941.html
Theo Nhandan
Ý kiến ()