Đồng thời yêu cầu, UBND các tỉnh triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm an toàn cho người dân, chủ động triển khai phương án khắc phục hậu quả mưa lũ; sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; huy động mọi phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt, tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói, khát; tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn đang mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị chết; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa.
* Đêm 15-10, đồng chí Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia TKCN đến tỉnh Quảng Bình chỉ đạo công tác ứng phó với lũ lụt.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Trịnh Đình Dũng chia buồn với sự mất mát của các gia đình có người chết, mất tích. Phó Thủ tướng chỉ đạo, hiện lũ đang rút, tỉnh Quảng Bình cần khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ với cố gắng cao nhất để tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên và giúp đỡ các gia đình có người chết, người bị thương; cứu trợ cho các gia đình bị thiệt hại khó khăn, không để bất kỳ gia đình nào thiếu đói, hỗ trợ sửa chữa nhà cho các hộ bị hư hỏng để bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống; khẩn trương khắc phục các công trình, đường giao thông bị hư hỏng, sớm tổ chức sản xuất; sửa chữa, khôi phục đường sắt bắc – nam và các tuyến đường để sớm lưu thông trở lại. Ngay sau lũ rút, tỉnh cần khẩn trương vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành liên quan khẩn trương đưa lực lượng cứu hộ bốn người hiện trên tàu vận tải bị mắc cạn ngoài cửa sông Gianh.
Điều quan trọng là Quảng Bình cần chủ động theo dõi diễn biến của bão số 7 để tiếp tục triển khai biện pháp phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
* Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Chính phủ đến Thừa Thiên – Huế để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới và mưa lũ xảy ra tại các tỉnh miền trung.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của Thừa Thiên – Huế trong ứng phó với mưa lũ những ngày qua, từ đó hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân, không để người dân bị đói, khát; tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn đang mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh phải bảo đảm tốt công tác vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh khi nước rút; có các giải pháp để bảo vệ các công trình, di tích, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khách du lịch.
* Trước đó, ngày 14-10, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT – Ủy ban quốc gia TKCN đã có Công điện số 29 gửi các địa phương, bộ, ngành liên quan đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến, mưa lũ; tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, chủ động các biện pháp ứng phó với bão Sarika; thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết để phòng tránh bão.
* Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, thống kê của các địa phương đến chiều ngày 15-10 cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có 87 nhà bị tốc mái, hàng trăm ngôi nhà bị ngập, nhiều tuyến đường bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt, hai người chết do lũ cuốn.
* Thống kê ban đầu tại tỉnh Quảng Trị, mưa lũ đã gây ngập úng hơn 250 ha hoa màu, 500 ha sắn; 47 tấn lúa bị ướt; hàng chục con lợn, trâu, bò, 10.000 con gà, vịt bị chết; 70% diện tích nuôi trồng thủy sản của ba xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Long và Vĩnh Lâm bị thiệt hại từ 30% đến 70% và một số công trình thủy lợi đê điều, kênh mương, hồ chứa, trạm bơm, đường giao thông… bị hư hỏng, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.
* Tại Nghệ An, đến hết ngày 15-10, nhiều tuyến giao thông quan trọng đã bị ách tắc do mưa lũ. Thống kê sơ bộ đã có hai người chết do lũ cuốn, 815 ha lúa, 5.206 ha ngô và rau màu, 609 ha nuôi thủy sản bị ngập chìm trong nước. Đê Tả Lam (đê lớn nhất tại Nghệ An) đang sạt lở tại nhiều vị trí, nhiều tuyến đường, cầu tràn bị ngập.
* Trước diễn biến của mưa lũ và bão Sarika, Bộ Công thương vừa chỉ đạo khẩn yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão để chủ động ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư để kịp thời ứng phó mọi tình huống, đặc biệt là tình huống chống ngập, lụt và hỗ trợ khi có yêu cầu.
* Tổng công ty Điện lực miền trung (EVNCPC) ngày 15-10 cho biết, mưa to trên diện rộng ở miền trung gây sự cố và gián đoạn cung cấp điện cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ đồng. EVNCPC đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương khắc phục sự cố lưới điện để bảo đảm khôi phục cung cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất. Đến nay, phụ tải khu vực tỉnh Thừa Thiên – Huế đã được khôi phục hoàn toàn; cơ bản khôi phục cấp điện tại Quảng Trị. Riêng tại Quảng Bình do còn mưa rất lớn trên diện rộng, nước dâng nhanh, Công ty Điện lực Quảng Bình đã phải cắt các xuất tuyến trung thế nằm trong vùng ngập lụt; tiếp tục ứng trực và xử lý các tình huống theo phương án đề ra để khôi phục phụ tải ngay khi đủ điều kiện cho phép.
* Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư dự báo, lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông Cả và sông La (Nghệ An) tiếp tục lên; thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) tiếp tục xuống. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; các địa phương cần chủ động đề phòng, bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước.
* Trong một diễn biến khác, hiện nay bão Sarika đang có xu hướng mạnh thêm. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 đến 25 km. Đến 13 giờ chiều nay (16-10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ vĩ bắc; 118,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14-15. Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 8 trở lên): ở 15 độ vĩ bắc và 116 độ kinh đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20 km và có khả năng mạnh thêm.
Ý kiến ()