ISW: Nga chuẩn bị sẵn sàng ứng phó xung đột quy mô lớn với NATO
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết, Nga đang mở rộng một phần quân đội để sẵn sàng ứng phó với một cuộc xung đột quy mô lớn với NATO.
Đánh giá của ISW được đưa ra sau một báo cáo trên tờ Izvestia của Nga về việc Bộ Quốc phòng Nga mở rộng quân khu Leningrad mới thành lập. Vào tháng 12/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố thành lập quân khu Leningrad và tập trung một số đơn vị quân đội ở đó để phản ứng trước việc Phần Lan gia nhập NATO.
Tờ Izvestia dẫn các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tại Karelia, khu vực ở phía Bắc Nga giáp Phần Lan, một lữ đoàn tên lửa cùng hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M được thiết lập. Một sư đoàn xe tăng cũng đang được xem xét triển khai tới khu vực nhưng chưa có thông tin cụ thể.
Trong khi đó, Nga cũng đã triển khai một lực lượng không quân và phòng không mới trong khu vực, bao gồm các trung đoàn máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, cũng như các đơn vị phòng không và lực lượng kỹ thuật vô tuyến.
Cựu chỉ huy Hạm đội Baltic của Nga, Đô đốc Vladimir Valuyev nói rằng, đây là hành động đáp trả việc Phần Lan gia nhập NATO và nhằm tăng cường lực lượng của Nga dọc theo sườn phía Tây của nước này.
Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4/2023 và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự vào tháng 3/2024. Đối với NATO, việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia có chung đường biên giới 1.340km với Nga, là sự mở rộng đáng kể nhất của khối trong nhiều thập niên.
Thụy Điển và Phần Lan sẽ được hưởng lợi từ nguyên tắc bảo đảm phòng thủ chung của NATO, theo đó một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên được coi là cuộc tấn công vào cả liên minh.
Nga nhiều lần cảnh báo sẽ đáp trả việc NATO mở rộng ngày càng sát biên giới Nga. Moscow coi đây là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia. Nga tuyên bố sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả việc Thụy Điển gia nhập NATO.
Vào tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết quân đội Nga sẽ tăng cường sức mạnh bằng cách bổ sung hai đội quân cùng 30 đơn vị mới vào cuối năm nay.
Các kế hoạch bao gồm cải tổ các quân khu Moskva và tăng quy mô Lực lượng vũ trang Nga từ 1,2 triệu lên 1,5 triệu quân. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự bày tỏ lo ngại về khả năng bố trí, huấn luyện và trang bị cho các đơn vị mới.
Tổng thống Joe Biden cảnh báo rằng Nga có tầm nhìn xa hơn chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và có nguy cơ đối đầu với các nước NATO. Đáp lại, Tổng thống Putin nói những cáo buộc cho rằng Nga sẽ đối đầu châu Âu sau Ukraine là “hoàn toàn vô nghĩa”.
Tổng thống Nga lưu ý rằng NATO đã và đang mở rộng về phía biên giới Nga chứ không phải ngược lại, nói thêm rằng Nga chỉ đơn thuần là “bảo vệ người dân của chúng tôi trên các vùng lãnh thổ lịch sử”.
Giới chức Nga từng cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp giữa NATO và Moskva nếu NATO đưa quân tới Ukraine.
“Nếu quân đội phương Tây xuất hiện ở Ukraine, nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp giữa NATO và Nga sẽ tăng lên gấp bội. Chúng tôi không muốn diễn biến như vậy”, Alexey Polischuk, Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho hay.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập đến vấn đề phương Tây gửi quân tới Ukraine. Tuy nhiên, nhiều thành viên NATO đã bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Macron, trong đó phần lớn các nước cam kết không can dự vào xung đột ở Ukraine.
Ý kiến ()