Israel pháo kích hàng loạt khu vực ở Lebanon
Đài Truyền hình Al Manar của Lebanon ngày 29-7 đưa tin, 15 khu định cư ở miền Đông và miền Nam Lebanon đã đồng loạt hứng chịu những đợt pháo kích hạng nặng do Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiến hành.
Đây là động thái đáp trả của Tel Aviv sau vụ một quả rocket được cho là của lực lượng Hezbollah tại Lebanon bắn vào thị trấn Majdal Shams của người Druze ở Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, khiến hàng chục người thương vong hồi cuối tuần trước.
Theo The Times of Israel, hôm 28-7, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã trở về Israel sớm hơn dự kiến sau chuyến công du Mỹ. Vừa xuống sân bay, ông Netanyahu lập tức di chuyển tới trụ sở Bộ Quốc phòng Israel và triệu tập cuộc họp khẩn với Nội các an ninh nhằm đánh giá tình hình. Tại đây, các thành viên Nội các an ninh nhất trí trao cho Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant quyền quyết định "cách thức và thời điểm" đáp trả vụ tấn công vào Cao nguyên Golan. Bất chấp tuyên bố của lực lượng Hezbollah rằng nhóm này không liên quan đến vụ tấn công, Israel vẫn giữ nguyên cáo buộc Hezbollah là thủ phạm và thề sẽ đáp trả thích đáng.
Phản ứng trước vụ việc, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris bày tỏ "sự ủng hộ của Mỹ đối với an ninh của Israel là tuyệt đối", đồng thời cho biết Washington đang tích cực thảo luận với cả Israel và Lebanon để tìm kiếm giải pháp ngoại giao kiềm chế xung đột. Washington không muốn vụ việc leo thang trở thành “một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực”.
Reuters cho hay, Hezbollah đang trong tình trạng báo động cao và đã “dọn sạch một số địa điểm quan trọng” ở phía Nam và thung lũng Bekaa ở phía Đông Lebanon để đề phòng các cuộc không kích của Israel. Cùng lúc, Hãng hàng không Middle East Airlines của Lebanon và nhiều hãng hàng không trong khu vực cũng ra thông báo tạm đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ thủ đô Beirut của Lebanon "vì lý do an ninh".
IDF đã giao tranh với lực lượng Hezbollah, có trụ sở tại miền Nam Lebanon, trong nhiều tháng, song cả hai bên dường như đều cố tránh xung đột leo thang dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện có khả năng lôi kéo sự tham gia của các cường quốc khác, trong đó có Mỹ và Iran.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công qua lại mới nhất cho thấy bế tắc trong khu vực đã bước vào giai đoạn nguy hiểm. Trước mối nguy hiện hữu, các quan chức Liên hợp quốc lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời cảnh báo bạo lực leo thang có thể "nhấn chìm toàn bộ khu vực trong một thảm họa không thể lường trước". Bộ trưởng Ngoại giao Lebanon Abdallah Bou Habib nói với Reuters rằng nước này đã đề nghị Mỹ thúc giục Israel kiềm chế. Cũng theo ông Habib, Lebanon không muốn tham gia vào cuộc chiến nhưng sẽ ủng hộ Hezbollah, rằng “nếu Israel xâm lược Lebanon, họ có nguy cơ kéo toàn bộ khu vực vào cuộc chiến”. "Sẽ không chỉ có Hezbollah chống lại Israel mà còn có lực lượng Houthi tại Yemen, các nhóm chiến binh tại Iraq, Syria, Pakistan, Afghanistan... Tất cả sẽ tham gia vào cuộc chiến chống lại Israel", ông Habib tuyên bố.
Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Iran cảnh báo Israel sẽ gánh chịu hậu quả nếu định tiến hành “bất kỳ cuộc phiêu lưu mới nào” nhằm vào Lebanon. Bộ Ngoại giao Syria thì bày tỏ quan điểm rằng Israel "phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự leo thang nguy hiểm này trong khu vực", và rằng những cáo buộc của Tel Aviv đối với Hezbollah là không đúng sự thật.
Điều đáng lo ngại là, nếu tại Gaza, vũ khí của Hamas chủ yếu là súng trường tấn công, tên lửa chống tăng vác vai, tên lửa tự chế thô sơ, được hỗ trợ bởi mạng lưới hầm ngầm chằng chịt thì tại Lebanon, lực lượng Hezbollah đã tích lũy nhiều năm kinh nghiệm chiến đấu với cả Israel và các lực lượng ủy nhiệm do Mỹ tài trợ ở Syria. Trong khi Hamas bị bó hẹp hoạt động trong dải Gaza vốn bị phong tỏa từ lâu thì Hezbollah lại có cơ hội không hạn chế trong việc tiếp cận các loại vũ khí tối tân. CNN ước tính Hezbollah đã tích lũy được một kho tên lửa, rocket và máy bay không người lái “đủ mạnh để áp đảo hệ thống phòng không tinh vi của Israel”. Điều đó có nghĩa là, một khi đã bùng nổ, cuộc chiến Israel-Hezbollah được dự báo sẽ có kết cục thảm khốc hơn nhiều so với cuộc xung đột Israel-Hamas.
Giới phân tích nhận định, cộng đồng quốc tế phải tiếp tục những nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ nhằm “dập tắt đám lửa chiến tranh” trước khi nó kịp “thiêu rụi” khu vực Trung Đông.
Ý kiến ()