Israel bế tắc trong nỗ lực thành lập chính phủ mới
Sau một tuần nỗ lực thành lập chính phủ mới, lãnh đạo Đảng Likud của Israel, ông Benjamin Netanyahu, vẫn đang chật vật để tìm cách ngồi vào ghế thủ tướng một lần nữa…
Theo Reuters, ngày 20-11, những nỗ lực của ông Benjamin Netanyahu nhằm nhanh chóng thành lập chính phủ mới ở Israel đã thất bại khi Đảng cực hữu Chủ nghĩa Phục quốc tôn giáo đòi nắm chức Bộ trưởng Quốc phòng nước này. Chiến thắng rõ ràng của phe cánh hữu trong cuộc bầu cử ngày 1-11, qua đó chấm dứt gần 4 năm bế tắc chính trị, đã làm dấy lên kỳ vọng trong Đảng Likud bảo thủ của ông Netanyahu khi muốn nhanh chóng thành lập chính phủ liên minh với các đảng theo chủ nghĩa dân tộc-tôn giáo có cùng chí hướng.
Tuy nhiên, nhiệm vụ thành lập chính phủ mới của ông Netanyahu gặp trở ngại đúng như dự đoán ban đầu sau khi xuất hiện rạn nứt giữa Đảng Likud và Đảng Chủ nghĩa Phục quốc tôn giáo. Các nhà lãnh đạo cứng rắn của Đảng Chủ nghĩa Phục quốc tôn giáo phản đối tư cách nhà nước của Palestine và muốn sáp nhập khu Bờ Tây chiếm đóng, trái ngược với quan điểm của nhiều chính quyền liên tiếp của Mỹ.
Nỗ lực để trở lại chiếc ghế quyền lực của ông Netanyahu gặp nhiều trở ngại. Ảnh: Reuters |
Chưa hết, các nhà lập pháp của Đảng Chủ nghĩa Phục quốc tôn giáo đòi đưa lãnh đạo đảng này, ông Betzalel Smotrich, lên làm Bộ trưởng Quốc phòng để tác động đến chính sách đối với khu Bờ Tây, trong đó hơn một nửa chịu sự kiểm soát hoàn toàn của quân đội Israel, song Palestine muốn một phần khu vực này trở thành lãnh thổ của nhà nước Palestine.
Trước đó, sau một tuần thương lượng, ông Netanyahu đã đạt được một số tiến triển trong việc thành lập một chính phủ liên minh cực hữu, với 64 ghế trong Quốc hội khóa mới gồm 120 thành viên. Cụ thể, ông Netanyahu đã hứa hợp thức hóa các khu định cư bất hợp pháp ở Bờ Tây trong 60 ngày sau khi chính phủ thành lập với ông Ben Gvir, lãnh đạo Đảng Quyền lực Do Thái-Đảng về thứ 3 trong cuộc bầu cử vừa qua. Tuy nhiên, ông Gvir cũng “làm khó” cho ông Netanyahu khi đề xuất để ông giữ chức vụ Bộ trưởng An ninh và đang mong muốn xử tử những đối tượng mà Israel xác định là “khủng bố”.
Cũng như nhân vật cực hữu Betzalel Smotrich, ông Gvir có xu hướng cực đoan, vốn vấp phải sự phản đối kịch liệt của dư luận quốc tế đối với nhiều chính sách mà hai ông theo đuổi. Hai nhân vật này cũng không nhận được sự đồng tình của Mỹ-đồng minh lớn nhất của Israel, cũng như các nước châu Âu và thế giới Arab.
Việc đưa ông Gvir lên nắm Bộ An ninh và Smotrich nắm Bộ Quốc phòng, được đánh giá là sẽ ảnh hưởng lớn đến chính sách lâu nay của Israel với người Palestine, theo hướng cứng rắn hơn. Nó có thể kích động một làn sóng chống Israel quy mô chưa từng có từ Palestine, hay từ các nước Arab vốn vừa mới nối lại quan hệ với Tel Aviv chưa lâu. Một khi thiếu sự ủng hộ của Mỹ, chính phủ Israel sẽ khó tránh khỏi tình trạng rơi vào thế bị cô lập.
Tuy nhiên, ông Netanyahu vẫn giải thích rằng, Israel có tầm quan trọng đối với các nước Arab khi kiềm chế Iran, có vai trò an ninh giúp Mỹ và các nước phương Tây trong việc chống lại Hồi giáo cực đoan. Ông tuyên bố sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo ông Netanyahu, người dân Mỹ và phương Tây cũng đang bắt đầu nhận ra giá trị to lớn của Israel, đó là một tài sản lớn đối với an ninh của phương Tây trước vô số phần tử Hồi giáo cực đoan và đặc biệt là chống lại chế độ tại Iran.
Nhưng trên thực tế, nhiều nghị sĩ, quan chức Mỹ đã lên tiếng quan ngại về các yêu sách của các chính trị gia cực hữu Israel liên quan đến vấn đề Palestine. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng tuyên bố sẽ xem xét lại mối quan hệ vừa “chớm nở” với Israel nếu một chính phủ Israel cực hữu có các nhân vật mang tư tưởng cực đoan. Một số chính trị gia cánh tả Israel cho rằng, chính phủ cực hữu mà ông Netanyahu hướng tới đang khiến cả thế giới lo lắng…
Một chính phủ cực hữu lên nắm quyền ở Israel gây lo ngại sẽ tiếp tục ngáng trở tiến trình hòa bình với Palestine. Sau khi thắng cử và được chỉ định thành lập chính phủ mới, ông Netanyahu đã có phát biểu gây nhiều tranh cãi rằng người Palestine “không quan tâm tới việc đạt được hòa bình với Israel”. Phản ứng lại, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Palestine cho rằng phát biểu của ông Netanyahu cho thấy Israel đang né tránh các tiến trình chính trị nhằm chấm dứt sự chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine và thành lập nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem theo các nghị quyết quốc tế.
Theo quy định, ông Netanyahu sẽ có 28 ngày (kể từ ngày 13-11) để thành lập chính phủ. Như vậy, ông vẫn còn 3 tuần nữa, thậm chí có thể sẽ được Tổng thống nước này gia hạn thêm 2 tuần để đàm phán với lãnh đạo các đảng cực hữu nhằm thành lập chính phủ. Ông cần thống nhất được các vị trí bộ trưởng chủ chốt, cũng như chính sách cơ bản để chính phủ liên minh được thành lập, mới có thể ngồi vào chiếc ghế thủ tướng.
Ý kiến ()