Israel bầu cử quốc hội với hy vọng phá vỡ bế tắc chính trị
Ngày 1-11, hơn 6,8 triệu cử tri Israel đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử quốc hội (Knesset). Đây là cuộc bỏ phiếu lần thứ năm trong vòng chưa đầy 4 năm với hy vọng phá vỡ bế tắc chính trị kéo dài từ năm 2019.
Theo truyền thông tại địa phương, gần 12.500 điểm bỏ phiếu mở cửa từ 7 giờ đến 22 giờ cùng ngày, ngoại trừ một số địa điểm đặc biệt như các khu dân cư hẻo lánh, doanh trại quân đội, nhà tù, trại dưỡng lão… thời gian mở cửa và đóng cửa sớm hơn. Ngay từ sáng sớm, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã đến điểm bỏ phiếu ở thành phố Jerusalem, trong khi Thủ tướng Yair Lapid đến điểm bỏ phiếu ở thành phố Tel Aviv. Phát biểu trước các phóng viên sau khi rời địa điểm bỏ phiếu, ông Herzog và ông Lapid kêu gọi người dân thực hiện quyền cử tri vì tương lai của một Nhà nước Israel dân chủ.
Người dân Israel đi bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu Bnei Brak, gần Tel Aviv, sáng 1-11. Ảnh: AFP |
Cuộc bầu cử quốc hội lần này không chỉ nhằm tìm ra 120 đại biểu đại diện cho người dân Israel để quyết định những công việc hệ trọng của đất nước, mà cũng quyết định ai sẽ là thủ tướng điều hành chính phủ trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới. Để trở thành thủ tướng sắp tới của Israel, đương kim Thủ tướng Yair Lapid, cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu hoặc các chính trị gia khác sẽ phải tập hợp một liên minh kiểm soát tối thiểu 61 ghế trong quốc hội gồm 120 ghế. Nếu không thể thực hiện thành công điều này, Israel sẽ tiếp tục phải tiến hành cuộc bầu cử khác vào đầu năm 2023.
Vòng xoáy bầu cử tại Israel bắt đầu từ năm 2019, khi các đảng phái chính trị không thể hội đủ số ghế tối thiểu cần thiết 61/120 để thành lập chính phủ. Sau cuộc bầu cử tháng 3-2021, một liên minh đã được thành lập bao gồm các đảng pha trộn từ cánh tả, cánh hữu tới đảng của người Arab, với mục đích loại bỏ vị Thủ tướng nắm quyền lâu nhất Netanyahu khỏi chính trường. Cũng vì lý do này mà chính phủ liên minh, dưới sự điều hành của hai Thủ tướng luân phiên Naftali Bennett và Yair Lapid, đã không tránh khỏi tan rã sau hơn một năm nắm quyền.
Hãng tin AFP nhận định, cũng giống các lần trước, tính chất của cuộc bầu cử lần này vẫn là cuộc đấu trí nhằm ngăn cản ông Netanyahu, thủ lĩnh phe đối lập, trở lại chiếc ghế thủ tướng. Bản thân ông Netanyahu, và khả năng cả chính phủ do ông lãnh đạo, là vấn đề gây chia rẽ lớn nhất, đặc biệt khi các phiên tòa xét xử ông với tội danh tham nhũng vẫn tiếp diễn. CNN cho hay, một số chính trị gia hàng đầu của phe trung hữu dù đồng ý với ông Netanyahu về tư tưởng nhưng vẫn từ chối làm việc với ông vì lý do chính trị hoặc cá nhân. Do đó, để có thể quay lại chiếc ghế thủ tướng, ông Netanyahu có thể phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của các đảng cánh hữu để thành lập liên minh. Nếu thành công, ông sẽ buộc phải nhường cho họ một số ghế bộ trưởng.
Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, khả năng cao tình thế bế tắc chính trị tại Israel sẽ chưa sớm được giải quyết do dự báo số phiếu mỗi phe nhận được sẽ chưa đủ mức quá bán để thành lập chính phủ. Tuy nhiên, dù đảng nào thắng cử và ai lên làm thủ tướng, nhiệm vụ đầu tiên của họ là tìm ra giải pháp giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt cũng như kiềm chế lạm phát leo thang. Báo cáo của Cơ quan Thống kê trung ương Israel công bố mới đây cho biết, lạm phát trong tháng 10-2022 ở Israel lên tới 4,6%, mức cao nhất trong một thập niên. Trong các cuộc bầu cử trước, người dân Israel thường có xu hướng bỏ phiếu dựa trên quan điểm tả-hữu liên quan đến tôn giáo, sắc tộc và cuộc xung đột tại Palestine. Lạm phát có thể sẽ là yếu tố mới ảnh hưởng tới kết quả bầu cử. Theo AFP, kết quả chính thức của cuộc bầu cử dự kiến được công bố sau ngày 2-11, trong khi quá trình thành lập chính phủ liên minh mới có thể kéo dài trong nhiều tuần sau đó.
Ý kiến ()