Iran tồn tại ra sao trong suốt 40 năm bị cấm vận
Nga đang bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, giống như Iran từng gánh chịu suốt 40 năm qua. Mới đây, RIA Novosti đăng tải bài viết trong đó lý giải vì sao Iran vẫn tồn tại được trong bối cảnh bị cấm vận.
Cuộc chiến tài chính của Tehran với phương Tây đã bắt đầu cách đây hơn 40 năm, kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 lật đổ Shah Mohammad Reza Pahlavi, người được Mỹ bảo trợ. Ngay lập tức Mỹ áp lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Iran, ngân hàng Mỹ đóng băng các khoản tiền gửi của Iran, áp đặt lệnh cấm mua bán vũ khí và cấm tất cả mặt hàng xuất khẩu của Iran, bao gồm cả thực phẩm, thuốc men.
Sau này, Mỹ từng dỡ bỏ một số lệnh cấm vận, song lại bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt với các cáo buộc khác đối với Iran, như: Vi phạm nhân quyền, phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, tài trợ khủng bố…
Iran đã bị ngắt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, bị ngắt kết nối với các ngân hàng phương Tây, bị cấm toàn bộ hoạt động giao dịch thương mại bằng USD, bị từ chối tiếp cận với công nghệ và các nguồn vốn đầu tư.
Khu chợ truyền thống Grand Bazaar tại thủ đô Tehran, Iran. Ảnh: Getty Images |
Tài sản của Ngân hàng Trung ương Iran bị đóng băng, ngành sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ sụp đổ, thực phẩm và hàng hóa trong nước tăng giá. Nền kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái. Sau vòng trừng phạt đầu tiên vào thập niên 1980, GDP nước này đã sụt giảm 25 điểm phần trăm, lạm phát tăng vọt…
Năm 2015, Tehran đã thực hiện một thỏa thuận với các bên trong nhóm “6 nước”: Đổi lại việc Iran đồng ý cắt giảm chương trình hạt nhân, Mỹ và phương Tây cam kết sẽ dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt. Nhưng khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và gia tăng các lệnh trừng phạt.
Tổng cộng, Washington đã áp đặt hơn 950 lệnh trừng phạt đối với Iran, tác động mạnh đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế nước này. Vào thời điểm đó, đồng nội tệ của Iran mất giá, lạm phát tăng 60%. Nhưng sự sụp đổ mà Nhà Trắng hy vọng đã không xảy ra. Nền kinh tế Iran đã đối phó và sau một vài năm bắt đầu phát triển. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Iran đạt 3,1%, năm nay dự báo đạt 2,4%.
Tehran một mặt thích nghi với các lệnh trừng phạt, mặt khác tiếp tục thiết lập các thị trường thay thế nhập khẩu và định hướng lại nền kinh tế. Người Iran, trước làn sóng lạm phát cao và hạn chế rút vốn ra nước ngoài, đã ồ ạt đầu tư vào sản xuất trong nước. Các nhà đầu tư nội địa đã cứu các công ty khỏi phá sản, và 3 năm trước, Sở giao dịch chứng khoán Tehran đã trở thành thị trường chứng khoán phát triển nhanh nhất thế giới.
Thông qua trung gian từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ, Iran có được nguồn cung sản phẩm từ các nhà sản xuất phương Tây, từng bước thay thế các ứng dụng mạng xã hội của phương Tây bằng các đối tác địa phương: Cloob thay vì Facebook, Aparat thay vì YouTube.
Iran đã không rơi vào trì trệ. Theo chỉ số phát triển con người, từ năm 2005 đến 2019, Tehran đã tăng 28 bậc, đứng thứ 70 trên thế giới; tuổi thọ trung bình tăng 7 năm, lên 77 tuổi. Iran chuyển hướng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc.
Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại chính của Tehran, tiếp theo là UAE, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Qua Trung Quốc, Iran đã có thể tiếp cận với công nghệ. Tiền mã hóa trở thành một phần của hệ thống tài chính quốc gia Iran. Trong nhiều thập kỷ gánh chịu các lệnh trừng phạt, Iran đã nhiều lần chứng minh rằng có trở ngại thì cũng có cách để vượt qua.
Nga hiện cũng đang trong tình trạng tương tự với Iran những năm qua. Tuy nhiên, với bài học nhãn tiền từ Iran, Nga hy vọng có thể tránh được viễn cảnh siêu lạm phát và sự sụp đổ của đồng ruble. Mười năm trước, GDP của Iran là 600 tỷ USD, còn của Nga là 1,5 nghìn tỷ USD. Nga có dự trữ ngoại tệ và nguồn thu từ thuế lớn hơn Iran nhiều, song lại ít phụ thuộc hơn Iran vào dầu mỏ.
Kể từ năm 2014, một số ngành công nghiệp của Nga đã được định hướng đầu tư vào nội địa thay thế nhập khẩu, một hệ thống thanh toán tương tự như SWIFT cũng được vận hành, Ngân hàng Trung ương Nga đã rút một phần đáng kể tài sản dự trữ từ các nước phương Tây.
Bài học từ Iran cho thấy tất cả hệ thống hỗ trợ hoạt động kinh tế nên có đối tác trong nước-đây là cách dịch chuyển cơ sở công nghiệp sang mảng dự phòng. Nga đã có hệ thống thanh toán riêng, mạng xã hội riêng và các cửa hàng trực tuyến thay thế các ứng dụng phổ biến của phương Tây.
Nga và Iran là hai quốc gia khác biệt về nhiều mặt: Vị thế kinh tế, vị trí địa lý, điều kiện khí hậu… nên cũng sẽ có những cách thức ứng xử khác nhau. Chưa kể, nền kinh tế Nga đã hội nhập sâu rộng với toàn cầu đến mức bất kỳ đòn nào giáng vào nó cũng sẽ tác động lập tức tới thị trường toàn cầu. Điều này được thấy rõ trong những ngày qua, mức giá tăng vọt của nhiên liệu, lúa mì và phân bón-những lĩnh vực Nga dẫn đầu.
Ý kiến ()