Iran mở rộng hợp tác, khai thác tiềm năng phát triển
Iran và Venezuela, Nicaragua, Cuba nỗ lực tối đa hóa các cơ hội hợp tác để thúc đẩy hơn nữa quan hệ chiến lược giữa Iran với ba quốc gia Mỹ Latin này. Trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Iran Seyed Ebrahim Raisi tới Venezuela, Nicaragua và Cuba, hai bên đã ký nhiều văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, năng lượng, khoa học-công nghệ và y tế, giúp quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông mở rộng cánh cửa hợp tác quốc tế.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (trái) gặp gỡ người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro. (Ảnh: AP) |
IRAN duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Venezuela, Nicaragua và Cuba. Quan hệ giữa Tehran và Caracas rất thân thiết từ thời Tổng thống Hugo Chávez và ngày càng được củng cố. Trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tới Tehran vào tháng 5/2022, hai bên đã ký nhiều thỏa thuận trong các lĩnh vực năng lượng, khoa học, dầu mỏ, quốc phòng, văn hóa, kinh tế, thực phẩm.
Trong khi đó, tháng 2 vừa qua, Nicaragua và Iran đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác và tham vấn tại Managua nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Iran tới quốc gia Trung Mỹ này. Năm ngoái, Iran và Cuba đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và an ninh lương thực nhân chuyến thăm Iran của Phó Thủ tướng Cuba Ricardo Cabrisas. Năm 2008, Iran đã trở thành quan sát viên của Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA), một tổ chức liên chính phủ dựa trên ý tưởng hội nhập kinh tế và chính trị của các quốc gia Mỹ Latin và Caribe.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ Latin của Tổng thống Iran Raisi mới đây, Iran và Cuba đã ký kết 6 hiệp định hợp tác, trong đó nổi bật là hiệp định đối tác toàn diện giữa hai chính phủ, hiệp định về tham vấn chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước và thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, thông tin di động và dịch vụ.
Hai nước cũng ký kết 2 bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực hải quan và tư pháp. Lãnh đạo hai nước đều bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ song phương trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, đầu tư, công nghệ sinh học, khai khoáng và sản xuất điện. Các doanh nghiệp Cuba và Iran cũng tìm hiểu cơ hội mở rộng quan hệ đầu tư và kinh tế, đặc biệt là khả năng phát triển các dự án chung trong lĩnh vực công nghệ sinh học, khai thác mỏ và sản xuất điện.
Iran và Venezuela đã ký kết 25 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, khoa học-công nghệ, viễn thông, nông nghiệp, công nghiệp, hàng hải, quốc phòng, văn hóa, khai khoáng, giáo dục, y tế, hóa dầu…, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở cả hai quốc gia.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực, đồng thời bày tỏ mong muốn nâng kim ngạch thương mại song phương từ 3 tỷ USD hiện nay lên 20 tỷ USD trong thời gian tới. Hai bên cũng cam kết thúc đẩy các dự án chung trong lĩnh vực dầu mỏ.
Việc Iran mở rộng quan hệ với các nước Mỹ Latin giúp quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Trong khi đó, Iran và Nicaragua đã ký 3 biên bản ghi nhớ về việc thành lập ủy ban hỗn hợp liên chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và trao đổi khoa học-kỹ thuật; hợp tác trong lĩnh vực tư pháp; cũng như cung ứng dược phẩm và trang thiết bị y tế. Nicaragua và Iran cam kết đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Việc Iran mở rộng quan hệ với các nước Mỹ Latin giúp quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Trước sức ép từ các biện pháp trừng phạt, nền kinh tế Iran, vốn là một trong những nền kinh tế tiên tiến nhất ở Trung Đông trước năm 1979, đã suy yếu đáng kể do nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm nghiêm trọng.
Iran có nguồn tài nguyên dồi dào, với trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ hai và trữ lượng dầu thô lớn thứ tư thế giới. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, nhất là các lệnh cấm vận được áp đặt sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Iran. Trong 5 năm qua, tăng trưởng kinh tế của Iran đã chậm lại đáng kể, trung bình chỉ đạt 1,2%/năm, trong khi lạm phát trong giai đoạn từ năm 2019 tới nay luôn ở mức trên 40%. Theo thống kê chính thức, tổng sản phẩm quốc nội của Iran năm 2022 chỉ đạt 490 tỷ USD.
Cùng với việc Iran đang bình thường hóa quan hệ với các nước Arab trong khu vực, mối quan hệ được thúc đẩy giữa Iran với các nước khác ngoài khu vực đang mở ra nhiều cơ hội giúp Iran khai thác tiềm năng phát triển trong các lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, hóa dầu, thép, góp phần phục hồi nền kinh tế vốn bị đình trệ sau nhiều năm hứng chịu các lệnh cấm vận của phương Tây.
Ý kiến ()