Iran mạnh mẽ bảo vệ chương trình phát triển tên lửa
Iran quyết tâm củng cố năng lực quân sự vì mục đích phòng vệ và không cho phép bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào vấn đề này.
Iran tăng cường ngân sách cho chương trình tên lửa (Ảnh: bnews,vn)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi (Ba-ram Kê-mi) đã mạnh mẽ khẳng định lập trường trên của Tehran trong bối cảnh Mỹ và Iran bất đồng về chương trình tên lửa của quốc gia Vùng Vịnh này.
Kênh truyền hình quốc gia IRIB TV ngày 7/10 dẫn tuyên bố của ông Bahram Qasemi khẳng định Iran sẽ tiếp tục củng cố năng lực phòng vệ của đất nước và kiên quyết theo đuổi chính sách này. Ông nhấn mạnh: “Chính sách của chúng tôi không nhằm chống lại bất cứ quốc gia nào. Chính sách quân sự của chúng tôi hoàn toàn mang mục đích phòng vệ”.
Ông Qasemi tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn của Iran khi cho biết Tehran sẽ không chấp nhận bất cứ một cuộc thương lượng nào về chương trình tên lửa và phòng vệ “không thể bàn cãi” của nước này, coi việc duy trì sức mạnh quân sự là yếu tố quan trọng xét trên tình hình phức tạp hiện nay tại khu vực Trung Đông.
Trước đó 1 ngày, ông Qaseme đã thẳng thừng bác bỏ các thông tin cho rằng Tehran sẵn sàng thương lượng với các nước lớn về chương trình tên lửa đạn đạo của nước này nhằm xoa dịu căng thẳng liên quan. Ông tuyên bố phát triển “chương trình tên lửa là quyền không thể nhân nhượng của Iran”.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif (Mô-ham-mát Da-díp) ngày 7/10 tuyên bố các vụ phóng thử tên lửa của Tehran là nhằm cải thiện độ chính xác của các tên lửa đạn đạo của nước này. Tuyên bố trên được cho là nhằm gián tiếp bác bỏ những nghi ngờ cho rằng chương trình tên lửa của Iran có mục tiêu hướng tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo ông Mohammad Zarif , nếu một tên lửa được thiết kế dành cho vũ khí hạt nhân, nó không cần chính xác.
Những tuyên bố trên của giới chức Iran diễn ra trong bối cảnh Iran và Mỹ đang bất đồng về chương trình tên lửa của Tehran.
Hồi 7/2015, Iran và Nhóm P5 1 (5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga cùng với Đức) đã ký Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), từng bước dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran nhằm đổi lại việc Iran đảm bảo rằng chương trình hạt nhân của nước này vì mục đích hòa bình. Tuy nhiên, tới nay Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt liên quan trực tiếp tới chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran, đặc biệt trong bối cảnh Tehran gần đây đã tiến hành một số vụ thử tên lửa đạn đạo. Mới nhất là vào ngày 23/9, Iran đã phóng một tên lửa đạn đạo Khorramshahr có tầm bắn 2.000 km. Giới chức Mỹ, trong đó có Tổng thống Donald Trump, cho rằng các tên lửa của Iran có lẽ đã được dùng để mang đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, phía Iran đã mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc trên./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()