Iran khẳng định sẵn sàng hợp tác với EU giải quyết vấn đề hạt nhân
Tổng thống Rouhani nêu rõ nước này vẫn sẵn sàng tương tác, hợp tác với EU để giải quyết các vấn đề và bất cứ khi nào EU hoàn toàn tuân thủ các cam kết của họ, Tehran sẽ trở lại các cam kết của mình.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (ảnh, phải) thông báo Iran sẽ “thu hẹp” việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani.
Hãng tin ISNA dẫn phát biểu ngày 3/2 của Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết các vấn đề liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015.
Tuyên bố trên được Tổng thống Rouhani đưa ra tại cuộc gặp Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tại Tehran, nhân dịp quan chức EU này tới Iran để tìm cách giảm căng thẳng tại Trung Đông sau vụ Mỹ không kích sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) khiến tư lệnh quân sự cấp cao của Iran – Tướng Qasem Soleimani , thiệt mạng hồi tháng trước.
Tổng thống Rouhani nêu rõ: “Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vẫn sẵn sàng tương tác và hợp tác với EU để giải quyết các vấn đề, và bất cứ khi nào phía bên kia hoàn toàn tuân thủ các cam kết của họ, Tehran sẽ trở lại các cam kết của mình.”
Cuối tháng Một vừa qua, Tổng thống Rouhani tuyên bố Iran sẽ “không bao giờ” tìm cách trang bị vũ khí hạt nhân , dù có hay không có thỏa thuận hạt nhân. Ông cũng kêu gọi các cường quốc châu Âu tránh phạm sai lầm như Mỹ vi phạm JCOPA – thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5 1 (gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Mỹ và Đức).
Theo JCPOA, Iran hạn chế các hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc dỡ bỏ phần lớn các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt với Tehran. Tuy nhiên, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận từ tháng 5/2018 và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.
Năm ngoái, Iran liên tục thực hiện các bước đi thu hẹp cam kết của nước này trong thỏa thuận, theo đó tăng mức độ làm giàu urani, nhằm gây sức ép đối với các bên còn lại trong thỏa thuận để bảo vệ nền kinh tế của Iran trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ, cũng như để nước Cộng hòa Hồi giáo này được hưởng đầy đủ các lợi ích trong khuôn khổ thỏa thuận.
Đầu năm 2020, căng thẳng Mỹ-Iran tiếp tục leo thang sau vụ Mỹ không kích sân bay quốc tế Baghdad làm thiệt mạng Tướng Soleimani, người đứng đầu đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Đáp trả, Iran đã bắn tên lửa vào hai căn cứ có binh sỹ Mỹ và liên quân quốc tế đồn trú tại Iraq./.
Ý kiến ()