Iran kêu gọi IAEA kiểm chứng khách quan các hoạt động hạt nhân
Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Mohammad Eslami khẳng định chương trình hạt nhân của Iran nhằm phục vụ các các mục đích dân sự như sản xuất điện, y tế, nông nghiệp và công nghiệp.
Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI), ông Mohammad Eslami ngày 26/9 nhấn mạnh Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cần “độc lập và khách quan” trong việc kiểm chứng các hoạt động hạt nhân của Iran.
Phát biểu tại Hội nghị Toàn thể IAEA ở thủ đô Vienna của Áo, ông Eslami khẳng định chương trình hạt nhân của Iran nhằm phục vụ các các mục đích dân sự như sản xuất điện, y tế, nông nghiệp, môi trường và công nghiệp.
Đề cập thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015, ông Eslami cho biết trên cơ sở thỏa thuận này, “Iran chấp nhận các giới hạn về hoạt động làm giàu urani, giảm tốc độ và công suất của các hoạt động hạt nhân, và một hệ thống kiểm chứng nghiêm ngặt trong một thời gian cụ thể.”
Ông cũng nêu rõ: “Đổi lại, các bên còn lại trong thỏa thuận cần dỡ bỏ những cản trở những biện pháp trừng phạt trái phép… đồng thời chấm dứt những cáo buộc sai trái nhằm vào các chương trình và hoạt động hạt nhân hòa bình của Iran.”
Theo ông Eslami, Iran đã giảm các cam kết của nước này như một biện pháp đáp lại những vi phạm của các bên khác trong thỏa thuận.
Ông chỉ trích Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt các trừng phạt chống Iran, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu các bên tham gia thỏa thuận trở lại tuân thủ các nghĩa vụ của họ bằng cách dỡ bỏ các trở ngại và trừng phạt thì việc Iran duy trì thực thi thỏa thuận sẽ được khẳng định và đảm bảo bằng việc thông qua tại quốc hội.
Ông Eslami nhấn mạnh Iran hy vọng IAEA “thực hiện thông báo, giám sát và kiểm chứng một cách chuyên nghiệp, khách quan và độc lập.”
Ông cũng kêu gọi IAEA từ bỏ “những cáo buộc cũ từ nhiều năm trước,” đồng thời khép lại các cáo buộc về các dấu vết hạt nhân tại 3 cơ sở ở Iran, coi đây là điều kiện tiên quyết để hoàn tất các cuộc đàm phán quốc tế nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015./.
Ý kiến ()