Iran có tổng thống mới: Kỳ vọng vào tương lai
Chính phủ Iran vừa tuyên bố, ứng cử viên Seyyed Ebrahim Raisi đã chiến thắng trong cuộc bầu cử và sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Iran vào tháng 8 tới. Sự kiện trên được người dân trong nước cũng như dư luận quốc tế tin tưởng, đặt kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới, vực dậy nền kinh tế vốn đang điêu đứng do các lệnh trừng phạt quốc tế mà đất nước này đang phải gánh chịu.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Iran Jamal Orf, với những biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt, cuộc bầu cử tổng thống đã thành công với 28,6 triệu cử tri đi bỏ phiếu. Trong 90% số phiếu đã kiểm, ông Ebrahim Raisi giành được 17,8 triệu phiếu bầu, bỏ xa người đứng thứ hai là ông Mohsen Rezaei – người chỉ giành được 3,3 triệu phiếu.
Giáo sĩ Hồi giáo 60 tuổi Seyyed Ebrahim Raisi là thẩm phán đứng đầu bộ máy tư pháp của Iran, đồng thời là cố vấn thân cận của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei. Ông dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức và kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani vào tháng 8 tới. Ra tranh cử tổng thống năm nay với khẩu hiệu “Chính quyền của dân, Iran hùng mạnh”, ông Ebrahim Raisi cam kết sẽ giải quyết tận gốc tệ nạn tham nhũng trong chính phủ nước này.
Chiến thắng của ông Ebrahim Raisi nhận được sự ủng hộ của người dân trong nước. Ngay sau khi kết quả sơ bộ được công bố, Văn phòng Tổng thống đã gửi lời chúc mừng tới ông Ebrahim Raisi. Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif bày tỏ tin tưởng Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi sẽ điều hành tốt chính phủ sau khi nhậm chức. Hai ứng cử viên tổng thống chủ chốt khác là Abdolnasser Hemmati – người theo quan điểm cải cách ôn hòa, và Mohsen Razaei – cựu chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, cũng đã gửi lời chúc mừng tới ông Ebrahim Raisi. Động thái này được giới phân tích cho là tín hiệu tích cực về tinh thần đoàn kết.
Từ nước ngoài, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Syria Bashar al-Assad… đã chúc mừng ông Ebrahim Raisi, bày tỏ tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của ông và kỳ vọng bước tiến mới tại Iran sẽ góp phần củng cố và thúc đẩy các quan hệ hợp tác trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thách thức với nhà lãnh đạo mới của Iran cũng là rất lớn. Trong nhiệm kỳ tới, ông Ebrahim Raisi sẽ phải ứng phó thực trạng nền kinh tế đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng do sức tàn phá của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt. Kinh tế Iran liên tiếp sụt giảm khi ghi nhận các mức giảm 6,8% trong giai đoạn 2018-2019 và giảm 6% năm 2020. Lạm phát tăng vọt và luôn đứng ở mức trên 45%, trong khi đồng nội tệ rial suy yếu đáng kể so với đồng USD, còn tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 11,2%. Sản lượng khai thác dầu thô và xuất khẩu dầu thô của Iran cũng giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trên phương diện đối ngoại, giới phân tích đánh giá, việc ông Ebrahim Raisi là Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Iran có tên ở danh sách trừng phạt của Mỹ sẽ khiến mối quan hệ vốn đang xấu đi giữa Tehran và Washington thêm phần phức tạp. Tuy nhiên, ông Ebrahim Raisi lại là người có quan điểm ủng hộ việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với 6 cường quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015. Do đó, sự lãnh đạo của ông có thể đem tới cơ hội cho thỏa thuận lịch sử này, mở ra “lối thoát” để Iran hội nhập trở lại nền kinh tế toàn cầu.
Có thể thấy, cuộc bầu cử tổng thống năm 2021 đã mang lại luồng sinh khí mới cho Iran. Sự kiện này không chỉ mang lại hy vọng và củng cố uy tín cho Chính phủ của quốc gia Hồi giáo khu vực Trung Đông này mà còn mở ra cơ hội vực dậy nền kinh tế vốn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Ý kiến ()