Iran chuẩn bị cơ sở pháp lý để đóng cửa eo biển Hormuz
Hãng thông tấn Tân Hoa, ngày 2/7, dẫn lời một nhà làm luật Iran, ông Ebrahim Agha-Mohammadi cho biết, Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia của Quốc hội Iran đang chuẩn bị đưa ra một dự luật nhằm kêu gọi đóng cửa eo biển Hormuz để đáp trả việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định siết chặt trừng phạt lĩnh vực dầu mỏ của Iran.Eo biển Hormuz có vai trò chiến lược trong thương mại toàn cầu (Ảnh: PressTV)Theo ông Mohammadi, Ủy ban trên có nhiệm vụ soạn thảo dự luật kêu gọi chính phủ Iran đóng cửa eo biển Hormuz để hạn chế sự lưu thông của các phương tiện chở dầu thô tới các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt lên lĩnh vực dầu mỏ của Iran. Đây được xem là phản ứng rõ ràng nhất và mạnh mẽ nhất của các nhà làm luật Iran trước việc lệnh cấm vận dầu mỏ của EU chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.Ông Mohammadi cho biết, dự thảo đóng cửa eo biển Hormuz đã nhận được sự tán thành của 100 trong tổng số 290 thành viên Quốc hội Iran...
Hãng thông tấn Tân Hoa, ngày 2/7, dẫn lời một nhà làm luật Iran, ông Ebrahim Agha-Mohammadi cho biết, Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia của Quốc hội Iran đang chuẩn bị đưa ra một dự luật nhằm kêu gọi đóng cửa eo biển Hormuz để đáp trả việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định siết chặt trừng phạt lĩnh vực dầu mỏ của Iran.
Eo biển Hormuz có vai trò chiến lược trong thương mại toàn cầu |
Theo ông Mohammadi, Ủy ban trên có nhiệm vụ soạn thảo dự luật kêu gọi chính phủ Iran đóng cửa eo biển Hormuz để hạn chế sự lưu thông của các phương tiện chở dầu thô tới các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt lên lĩnh vực dầu mỏ của Iran. Đây được xem là phản ứng rõ ràng nhất và mạnh mẽ nhất của các nhà làm luật Iran trước việc lệnh cấm vận dầu mỏ của EU chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.
Ông Mohammadi cho biết, dự thảo đóng cửa eo biển Hormuz đã nhận được sự tán thành của 100 trong tổng số 290 thành viên Quốc hội Iran trong phiên họp ngày 1/7. Qua đó, nhà làm luật này tin tưởng, bản dự thảo trên sẽ sớm được đệ trình chính thức lên một phiên họp mở của Quốc hội Iran trong những ngày tới.
Theo quan điểm của ông Mohammadi, việc Iran đưa ra những quyết định nhằm khẳng định chủ quyền đối với các vùng hải phận của nước này chỉ là một biện pháp “chí ít” mà Tehran có thể làm để đối phó với những biện pháp trừng phạt “không công bằng” mà các nước phương Tây đang áp đặt lên lĩnh vực dầu mỏ của Iran.
Eo biển Hormuz là tuyến hải vận huyết mạch, chuyên vận chuyển khí gas của Qatar và dầu xuất khẩu của Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Iran sang các nước châu Âu. Trong năm 2011, bình quân mỗi ngày có tới 17 triệu thùng dầu đi qua eo biển này, chiếm tới 40% tổng lượng dầu trung chuyển của thế giới.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Nhà nước Hồi giáo Iran đe dọa phong tỏa eo biển chiến lược để phản đối hành động gây sức ép của Mỹ và phương Tây. Trước đó, nhiều quan chức chính phủ và quân đội Iran đã từng khuyến cáo sẽ cân nhắc tới mọi phương án, đặc biệt là khả năng đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz nếu như các biện pháp gia tăng trừng phạt của phương Tây làm đình trệ các hoạt động xuất khẩu và làm tổn hại đến lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Về phần mình, Mỹ cũng đã nhiều lần cảnh báo Iran rằng bất cứ động thái nào gây cản trở hoạt động vận tải qua Eo biển Hormuz – kênh vận chuyển dầu mỏ quan trọng nhất của thế giới, sẽ không được “dung thứ”. Tuyên bố mới đây của ông Mohammadi được cảnh báo là sẽ khiến cho mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây tiếp tục leo thang, đặc biệt trong bối cảnh Iran và nhóm P5 1 (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức) lên kế hoạch sẽ tổ chức vòng đàm phán cấp chuyên gia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày hôm nay (3/7). Ngay trước thềm diễn ra vòng đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ, cả đại diện cấp cao Iran và nhóm P5 1 đều bày tỏ mong muốn sự kiện này sẽ thu hẹp bất đồng và giúp xây dựng lòng tin giữa hai bên để tạo nền tảng cho những vòng đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, những diễn biến căng thẳng gần đây trong mối quan hệ giữa Iran và phương Tây cho thấy, sự kiện này sẽ khó mang lại kết quả như mong đợi.
Kênh truyền hình vệ tinh PressTV vừa dẫn lời Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU, kiêm trưởng đoàn đàm phán của nhóm P5 1, bà Catherine Ashton nhấn mạnh rằng: “Nhóm P5 1 hy vọng Iran sẽ nắm bắt cơ hội tại Istanbul nhằm tỏ rõ thiện chí sẵn sàng tuân thủ nghiêm túc những bổn phận quốc tế; thực hiện các biện pháp phù hợp để giải tỏa ngay lập tức những mối quan ngại của cộng đồng quốc tế, xây dựng lòng tin từ phía dư luận vào bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân mà Iran đang theo đuổi”.
Ngày 2/7, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi tuyên bố, Iran tìm kiếm một kết quả đàm phán cùng có lợi với nhóm P5 1, đồng thời nhấn mạnh quan điểm rằng “Iran theo đuổi cách tiếp cận mang tính tương tác và phản đối tư tưởng đối đầu trong các vòng đàm phán”.
Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehicòn khuyến cáo các nước phương Tây cần tỏ ra “kiềm chế” trong việc đưa ra các hành động “vô lý” và đối xử với Iran một cách lô-gíc hơn. Ông Salehi cho rằng ngoại giao chính là con đường duy nhất để giải tỏa những bất đồng xung quanh chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran. Ông Ali Akbar Salehicòn viện dẫn tới một thực tế rằng, một số nước phương Tây đang áp dụng các biện pháp nhằm gia tăng trừng phạt chống lại Iran nà nhấn mạnh: “Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ không do dự nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và những quyền lợi chính đáng của dân tộc mình”. Theo lập luận của ông Salehi, trong lịch sử người dân Iran đã đứng lên để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và dân tộc Iran sẽ tiếp tục đoàn kết để đối mặt với những biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây. “Nếu như phương Tây đưa ra những hành động thiếu khôn ngoan thì họ cần nhận thức được một thực tế hiển nhiên rằng, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ bảo vệ tới cùng chủ quyền lãnh thổ như đã từng làm trong thời kỳ xảy ra chiến tranh Iran-Iraq”, ông Salehi nói.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()