Iran “bán anh em xa, mua láng giềng gần”
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây chưa biết bao giờ được dỡ bỏ, ngoài nỗ lực tự cường ở trong nước, Iran đang thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực, với phương châm “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.
Vòng đàm phán thứ 8 giữa Iran với các cường quốc về khôi phục Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), được nối lại hôm nay (27/12), tại Vienna (Áo). Giới phân tích hy vọng, sau 10 ngày trở về nước tham vấn, các bên tham gia đàm phán trực tiếp, gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ðức với Iran cùng sự tham dự gián tiếp của Mỹ, sẽ ngồi vào bàn thương lượng trên tinh thần cầu thị, vì lợi ích chung.
Tehran đã thể hiện thiện chí trước với tuyên bố ngay trước thềm cuộc đàm phán rằng, sẽ giữ nguyên cam kết làm giàu urani ở mức 60% bất chấp Mỹ có dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hay không. Trong trường hợp các cường quốc và Iran cùng nhau “lách qua khe cửa hẹp” để khôi phục thỏa thuận, Tehran sẽ phải tuân thủ các cam kết của mình trong JCPOA, còn Mỹ cần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống nước Cộng hòa Hồi giáo. Nếu thỏa thuận được cứu vãn, người dân Iran nói riêng và khu vực Trung Ðông nói chung sẽ có cơ hội đón năm mới trong hòa bình, an ninh và ổn định.
Trước muôn vàn khó khăn do bị cấm vận, Iran đã nỗ lực huy động các nguồn lực trong nước, trong đó xuất khẩu dầu mỏ là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Tehran. Hãng tin Bloomberg tiết lộ, xuất khẩu dầu thô của Iran tới các nhà máy lọc dầu độc lập tại Trung Quốc đã đạt mức trung bình 600.000 thùng/ngày trong tháng 11, tăng 40% so với tháng 10. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nêu rõ, xuất khẩu dầu mỏ gia tăng và khả năng khôi phục nguồn thu xuất khẩu là dấu hiệu cho thấy Tehran đang đi đúng hướng để vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt suốt 3 năm qua. Iran tự tin sẽ xuất khẩu dầu thô lên tới 2,5 triệu thùng/ngày, nếu lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Tehran được dỡ bỏ.
Trong bối cảnh bị bao vây tứ phía, Iran đã tìm cách tăng cường quan hệ và hợp tác kinh tế-thương mại với các nước trong khu vực, nhất là với các quốc gia Arab. Iran vừa tiến hành đàm phán với Saudi Arabia, đồng minh thân cận hàng đầu của Mỹ trong khu vực, tại thủ đô Baghdad dưới sự trung gian của Iraq. Kết quả cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ, hóa giải những hiểu lầm giữa Tehran và Riyadh được các bên tham gia đánh giá tích cực. Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran từ tháng 1/2016. Sau đó, hai nước đã tiến hành tổng cộng 4 vòng đàm phán để tháo gỡ bất đồng, trong đó Iraq giữ vai trò hòa giải.
Vài ngày sau chuyến thăm Syria của Bộ trưởng Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran Reza Fatemi Amin nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước, Bộ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad đã có chuyến thăm chớp nhoáng hai ngày tới Tehran để củng cố “mối quan hệ chiến lược và tuyệt vời” theo như lời của ông Mekdad trong cuộc hội kiến Tổng thống Raisi. Trong đó, hai bên bày tỏ hài lòng về quan hệ song phương, nhất là về hợp tác kinh tế-thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.
Trong cuộc tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Oman Issa al-Harthy (tới Tehran để đồng chủ trì cuộc họp của Ủy ban Tham vấn chiến lược chung Iran-Oman, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian khẳng định, Tehran cam kết thúc đẩy đối thoại và theo đuổi các giải pháp chính trị để giải quyết các vấn đề song phương và khu vực. Ông Abdollahian nhấn mạnh, Tehran sẵn sàng đàm phán với các nước để thúc đẩy quan hệ; coi việc cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực, trong đó có Oman, là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Ebrahim Raisi.
Ý kiến ()