Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào Không liên kết (NAM) diễn ra tại thủ đô Tehran của Iran từ 26- 31/8. Đáng chú ý là tại sự kiện này có sự tham dự của Tổng thống Ai Cập Mohammed Mursi – vị nguyên thủ quốc gia Ai Cập đến đất nước Hồi giáo lần đầu tiên kể từ khi quan hệ giữa hai nước “lạnh nhạt” trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, chuyến thăm Iran của Tổng thống Ai Cập được đánh giá là có thể gây nên sự đảo lộn quan hệ trong khu vực vốn đã phức tạp này.
|
Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi (Ảnh Bloomberg) |
Chuyến thăm Iran nhân Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào không liên kết của ông Mursi được kỳ vọng là “tia lửa” giúp làm “tan chảy” quan hệ đóng băng giữa hai quốc gia sau quãng thời gian dài đối nghịch, đặc biệt kể từ khi Ai Cập ký kết hiệp ước hòa bình năm 1979 với Israel.
Quan hệ giữa Cairo và Tehran sứt mẻ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran, nhất là sau khi Ai Cập cáo buộc Iran ủng hộ các tay súng nổi dậy tại quốc gia Kim Tự Tháp. Dưới thời người tiền nhiệm của ông Mursi, cựu Tổng thống Hosni Mubarak, Ai Cập – với chủ yếu là người Hồi giáo theo dòng Sunni, luôn sát cánh với các quốc gia Arab khác đã cố cô lập một Iran do người Hồi giáo theo dòng Shiite chiếm đa số.
Có lẽ quá sớm để khẳng định “chuyến thăm của ông Mursi có thể bình thường hóa quan hệ với Tehran”, nhưng giới phân tích tin rằng, chuyến thăm lịch sử này sẽ đưa Ai Cập trở lại sân khấu chính trị khu vực. Chuyến đi này được cho là phù hợp với tín hiệu tích cực kể từ sau cuộc lật đổ chính quyền năm 2011 để hình thành một chính sách đối ngoại đối lập với phương Tây và các nước xuất khẩu dầu mỏ tại Vùng Vịnh.
Chuyên gia chính trịAi Cập Mustafa Kamel al-Sayyed nhận định về chuyến đi của ông Mursi: “Chuyến đi thực sự đánh dấu phản ứng đầu tiên và cũng là phương thức để gia tăng cách thức cho chính sách đối ngoại của Ai Cập trong khu vực. Chuyến đi của Tổng thống Mursi cho thấy, chính sách đối ngoại trong khu vực của Ai Cập đã tích cực trở lại. Đây cũng là cách để cho các quốc gia Vùng Vịnh biết rằng Ai Cập sẽ không luôn đi theo quan điểm của các quốc gia Vùng Vịnh”.
Đều là những nước có ảnh hưởng lớn ở khu vực Trung Đông, việc Ai Cập và Iran có “nhã ý nối lại quan hệ” sẽ tác động không nhỏ tới khu vực và có thể sẽ làm cho Mỹ và Israel lo ngại. Bởi nếu sự lạnh giá lâu nay giữa hai nước bị phá vỡ, Iran sẽ có thêm một đồng minh mới và sẽ thuận lợi hơn trong cuộc đối đầu quyết liệt hiện nay với Israel. Hơn nữa, “thêm bạn, bớt thù” cũng là chính sách hợp lý với Iran hiện nay, nhất là khi nước này đang phải đối mặt với sự thù địch từ phía Washington liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
Về phía mình, Ai Cập sẽ có thêm một kênh ngoại giao nhằm điều chỉnh chính sách đối ngoại của Cairo, tiếp tục tạo vị thế lớn hơn trong khu vực, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.
Như vậy, với việc Tổng thống Ai Cập sẽ công du Iran vào tuần tới cũng như việc quân đội Ai Cập thời gian gần đây triển khai xe tăng đến Bán đảo Sinai, giới chức Israel đang ngày càng lo ngại cho điều mà từ lâu Israel vẫn xem là “mối quan hệ quan trọng nhất” của họ trong khu vực. Hơn nữa, mặc dù xe tăng của Ai Cập tại Sinai không đe dọa đến Israel, nhưng việc thiếu hợp tác giữa đôi bên trong quyết định của Ai Cập cũng được xem là có nguy cơ hủy hoại thỏa thuận hòa bình vốn là nền tảng an ninh hàng chục năm qua của Israel.
Về vấn đề này, ông Yasser Ali- phát ngôn viên của Tổng thống Ai Cập cho biết: “Ai Cập tôn trọng các hiệp ước của mình, tuân thủ các cam kết. Bất kỳ điều chỉnh nào trong thỏa thuận sẽ được thực hiện qua những con đường hợp pháp”.
Theo các nhà phân tích chính trị, trong bối cảnh quan hệ giữa Iran với các quốc gia vùng Vịnh vẫn đang trong thời kỳ căng thẳng, việc tiến gần hơn tới Iran sẽ khiến Ai Cập bị các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, phản đối, thậm chí là đối xử lạnh nhạt. Quan trọng hơn, sân khấu chính trị khu vực khi ấy sẽ bị đảo lộn bởi các mối quan hệ phức tạp, chồng chéo và khó lường./.
Ý kiến ()