iPhone Việt sẽ là đích ngắm mới của tội phạm
Tuy là một chiếc điện thoại cầm tay, nhưng bản thân iPhone không khác gì một chiếc máy tính, cũng có hệ điều hành, cũng lướt Web, check mail, cài đặt phần mềm…, và do vậy nó sẽ không tránh khỏi các nguy cơ mất an toàn. Các chuyên gia bảo mật cảnh báo rằng, iPhone sẽ là mục tiêu tấn công mới của tin tặc khi chúng trở nên thông dụng tại Việt Nam.
iPhone – mục tiêu mới của tin tặc
Theo ông Nguyễn Viết Thế, Cục trưởng Cục tin học nghiệp vụ, Bộ Công an, việc bùng nổ các thiết bị di động không dây của Apple tại Việt Nam trong thời gian tới, cộng với việc Quả táo chưa có giải pháp đảm bảo an toàn cho thiết bị này, sẽ khiến cho chúng trở thành mục tiêu quan tâm mới của giới tội phạm mạng. Tuy nhiên, vị cục trưởng này cũng cho rằng tội phạm mạng ngày nay chủ yếu chỉ quan tâm tới nguồn lợi thực tế. Vì vậy, chỉ đến khi nào chiếc iPhone được sử dụng như một chiếc “ví điện tử” trong thương mại điện tử hoặc giao dịch điện tử, thì chúng mới thực sự nguy hiểm.
Tuy vậy, cùng với mạng 3G đã chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam, thì iPhone không chỉ đơn thuần là một chiếc điện thoại, mà nó còn là một thiết bị truy cập Internet. Chúng có thể truy cập Internet dễ dàng để lướt web và duyệt email. Ngoài ra, iPhone 3GS có hai phiên bản 16GB và 32GB, nên người dùng có thể sử dụng chúng để lưu trữ nhiều dữ liệu quan trọng. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm virus, bị tấn công khi truy cập Internet của dòng sản phẩm này cũng khá cao. Đó cũng là những nguy cơ và rủi ro mà mạng máy tính hiện nay đang phải hứng chịu.
Trong thời gian qua, trên mạng Internet đã xuất hiện vài cuộc thử nghiệm của tin tặc thâm nhập vào sản phẩm iPhone 3GS mới của Apple. Chính vì vậy, khi phân phối sản phẩm này, các nhà mạng cũng cần lưu tâm tới vấn đề bảo mật, nhất là khả năng đảm bảo an toàn thông tin người dùng trên thiết bị. Việt Nam vẫn nằm trong Top 10 quốc gia có tỷ lệ phát tán thư rác cao nhất thế giới, và ông Thế cảnh báo rằng vấn nạn spam rất có thể sẽ làm cho các nhà mạng (phân phối iPhone) trong nước đau đầu trong thời gian tới.
Theo ông Raymond, Giám đốc kỹ thuật khu vực Nam Á của hãng bảo mật Symantec, hiện nay tin tặc đã bắt đầu để mắt tới các dòng smartphone mới; đã nhiều loại virus mới xuất hiện và nguy cơ lây nhiễm virus, phần mềm độc hại của ĐTDĐ và máy tính là như nhau. Nguy cơ này không thiên về bất cứ loại hệ điều hành nào, kể cả Windows, Symbian, Android hay iPhone.
Còn theo ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VnCert), do sử dụng hệ điều hành và có thể download/cài đặt phần mềm nên chiếc điện thoại của Apple hoàn toàn có thể nhiễm virus hoặc mã độc. “Người dùng cũng nên quan tâm dần tới việc bảo mật thiết bị này [iPhone] như những gì mà họ đang bảo vệ chiếc máy tính của mình”, ông Khánh khuyến cáo.
Nguy hiểm tới đâu?
Là một sản phẩm của Apple nên chiếc iPhone được xây dựng theo các tiêu chuẩn cực kỳ nghiêm ngặt, và rất an toàn. Kể cả các phiên bản iPhone trước đây và sau này, không phải ai cũng có thể tự ý cài đặt phần mềm và ứng dụng lên thiết bị. Chỉ những ứng dụng và phần mềm do Apple thông qua mới được phép chạy trên iPhone.
Ngoài ra, iPhone hỗ trợ giao thức WPA2 Enterprise bằng phương thức xác thực 802.1x, một tiêu chuẩn bảo mật của mạng Wi-Fi, nên người dùng có thể truy cập vào mạng không dây và tài nguyên mạng một cách an toàn. Riêng chiếc iPhone 3GS còn được trang bị phương thức mã hóa phần cứng nên người dùng sẽ có một môi trường truy cập đáng tin cậy. Chức năng xóa dữ liệu từ xa của iPhone ngay lập tức cho phép loại bỏ các nguy cơ bị lộ thông tin khi bị mất thiết bị.
Tuy nhiên, người dùng cũng không nên nghĩ điện thoại của mình đã an toàn tuyệt đối. Các chuyên gia cho biết, nguy cơ gây mất an toàn thông tin lớn nhất chính là từ ý thức về bảo mật của người dùng. Vì vậy, người dùng di động cũng cần tìm hiểu và chuẩn bị phần mềm bảo mật cho điện thoại của mình như đã và đang thực hiện trên máy tính.
Nhận thức được nguy cơ đối với các dòng điện thoại smartphone, nhất là khi chạy trên mạng 3G, một số nhà mạng Việt Nam đã triển khai những giải pháp nhất định để đảm bảo an toàn cho thiết bị và dữ liệu người dùng. Đầu năm 2010, VinaPhone đã khởi động chương trình tặng phần mềm bảo mật Kaspersky Mobile Security trên điện thoại di động cho khách hàng sử dụng dịch vụ dữ liệu (GPRS/EDGE/3G). Còn Viettel, cuối năm 2009 cũng đã hợp tác với Công ty cổ phần An toàn – An ninh thông tin CMC (CMC InfoSec) bán thiết bị đầu cuối hỗ trợ cho các phần mềm bảo mật cho khách hàng.
Ngoài ra, một số nhà cung cấp giải pháp bảo mật nước ngoài cũng đang ngấp nghé nhảy vào thị trường di động Việt Nam. Trong số này có Symantec với các giải pháp bảo mật mạng di động 3G được cho là khá hữu hiệu hiện nay. Ông Raymond cũng tiết lộ rằng Symantec đang đàm phán với một số hãng viễn thông Việt Nam nhằm cung cấp các giải pháp bảo mật di động này.
Trên thực tế, điện thoại iPhone đã bị tấn công lần đầu tiên vào năm 2008. Các nhà nghiên cứu bảo mật đã khám phá ra cuộc tấn công vào trình duyệt di động trên điện thoại iPhone và sử dụng một ứng dụng trên điện thoại để gửi các tin nhắn SMS tới máy chủ web. Còn trong cuộc thi thường niên của Pwn2Own, hai chuyên gia bảo mật Châu Âu chỉ mất 20 giây để đột nhập iPhone và đánh cắp dữ liệu SMS trên đó. |
Ý kiến ()