Interpol cảnh báo nguy cơ tội phạm mạng tiềm ẩn trong Metaverse
Việc Metaverse ghi lại tương tác của người dùng trên blockchain tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh và rò rỉ thông tin, từ đó những kẻ theo dõi hoặc tống tiền có thể lợi dụng để thực hiện âm mưu phạm tội.
Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cho biết tổ chức này đang chuẩn bị để ứng phó với những nguy cơ mới trong môi trường “vũ trụ ảo” Metaverse, trong đó có thể xuất hiện những loại tội phạm mạng mới, đồng thời những tội phạm mạng phổ biến hiện nay có thể mở rộng quy mô hoạt động.
Giám đốc điều hành của Interpol về công nghệ và đổi mới, ông Madan Oberoi cho biết các nước thành viên của Interpol đã bày tỏ quan ngại về những thách mới trên không gian mạng.
Đề cập những nguy cơ tiềm ẩn trong Metaverse, ông Oberoi cho biết ứng dụng tương tác thực tế ảo (AR) hay thực tế ảo (VR) có thể tạo điều kiện cho các hình thức tấn công mới như giả mạo danh tính để lấy cắp các thông tin nhạy cảm (phishing) hay lừa đảo (scam), trong đó an toàn cho trẻ em là một vấn đề lớn.
Bên cạnh đó, VR cũng có thể là “cơ sở thí nghiệm” cho các hành vi phạm tội ở thế giới thực, khi các nhóm khủng bố có thể sử dụng không gian này để mô phỏng các kế hoạch tấn công khủng bố trước khi triển khai.
Đầu tháng này, Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) công bố một báo cáo nhận định trong tương lai, các nhóm khủng bố có thể lợi dụng không gian ảo để tuyên truyền, tuyển mộ và huấn luyện các thành viên mới.
Theo báo cáo này, việc Metaverse ghi lại những tương tác của người dùng trên chuỗi khối (blockchain) tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh và rò rỉ thông tin, từ đó những kẻ theo dõi hoặc tống tiền có thể lợi dụng để thực hiện các âm mưu phạm tội.
Metaverse đã tạo nên “cơn sốt” trong lĩnh vực công nghệ và trở thành một khái niệm phổ biến vào năm 2021, khi các công ty và nhà đầu tư tin rằng nền tảng này sẽ phát triển mạnh mẽ, đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử Internet.
Facebook đổi tên thành Meta vào tháng 11/2021 để phản ánh trọng tâm phát triển của “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, giới chuyên gia nhận định nhiều dấu hiệu cho thấy tầm nhìn này ít khả năng trở thành hiện thực.
Giá cổ phiếu của Meta sụt giảm trong phiên giao dịch 27/10, khi các nhà đầu tư có xu hướng hoài nghi về tiềm năng phát triển của Metaverse. Thị trường các loại tài sản kỹ thuật số, tài sản dựa trên chuỗi khối – như NFT – cũng lao dốc trong thời gian qua sau khi từng bùng nổ về giá và trở thành hiện tượng công nghệ vào năm 2021.
Trong khi đó, các vụ tấn công mạng có xu hướng gia tăng song song với những phát triển công nghệ. Theo báo cáo từ công ty phần mềm an ninh mạng đa quốc gia Trend Micro (Nhật Bản), số vụ tấn công mạng trên thế giới tăng mạnh trong sáu tháng đầu năm 2022.
Theo dữ liệu do Trend Micro công bố, công ty này đã ngăn chặn hơn 239 triệu vụ tấn công mạng trong nửa đầu năm 2022, trong đó phát hiện hơn 21 triệu phần mềm độc hại, tăng hơn 220% so với cùng kỳ năm 2021./.
Ý kiến ()