Internet- Khao khát của thế hệ trẻ vùng nông thôn
Thanh niên thành phố Lạng Sơn truy cập Internet tại thư viện cộng đồng |
Để đưa được cây mồng trâu, cây ngô bao tử, cây ớt… vào sản xuất lớn, chỉ dựa vào vài buổi tập huấn KHKT quả là chưa thỏa mãn được khát khao tìm hiểu của thanh niên xã Yên Thịnh (Hữu Lũng). Chính vì vậy, họ đã cùng gia đình mua sắm máy tính, học cách truy cập Internet để “rộng đường” tham khảo. Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Trung Hiệp, Bí thư Đoàn xã Yên Thịnh nói rằng, ban đầu chỉ có một vài hộ gia đình ở khu vực trung tâm xã có máy tính và nối mạng; lợi ích của nó đã khá rõ ràng khi những gia đình này có nhiều hiểu biết hơn về cách làm ăn. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã mua sắm máy tính; đối với họ, nó không phải là vật “trang trí” trong nhà để mang lại cái “sự sang” cho gia chủ, mà thực sự nó là một vật dụng hữu ích để suy nghĩ của họ vươn xa. Đến nay, toàn xã đã có trên 30 hộ có máy vi tính và trên 60% thanh niên địa phương đã biết truy cập Intenet.
Khác với thanh niên xã Yên Thịnh, chỉ cách nhau một con đèo cao, song thanh niên xã Hữu Liên chịu nhiều thiệt thòi hơn. Là một xã có trình độ dân trí còn thấp, nhất là ở các thôn vùng hẻo lánh, vùng dân tộc Dao, song thanh niên Hữu Liên luôn có ý chí vươn lên làm giàu trên chính vùng đất quê mình. Cái khó của họ là thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng để áp dụng KHKT vào sản xuất và đời sống. Anh Hoàng Văn Ga, Bí thư Đoàn xã nói rằng: gần 1000 đoàn viên, thanh niên chính là lực lượng “chủ công” trong sản xuất và đưa cái mới vào khu dân cư. Nếu trước đây, toàn xã chỉ có một vài cái máy có thể truy cập Internet ở trụ sở, Bưu điện văn hóa, thì nay rất nhiều gia đình đã nối mạng có dây hoặc không dây để có thể truy cập những trang mạng hữu ích. Tuy vậy, hạn chế lớn nhất ở xã khó khăn này là chất lượng đường truyền không tốt và giá cước khá cao (riêng gói 3G tăng giá đã gây không ít trở ngại đến việc tiếp cận với Internet của người dân và thanh niên Hữu Liên).
Lạng Sơn là 1 trong 16 tỉnh được thụ hưởng dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet cộng cộng ở Việt Nam” với 43 điểm thư viện công cộng và bưu điện văn hóa xã được trang bị tổng cộng 400 máy là một cơ may hiếm có cho người dân nói chung và thanh niên nói riêng. Tuy vậy Lạng Sơn vẫn còn rất nhiều xã khó khăn mà người dân nói chung và thanh niên nói riêng chưa được tiếp cận với máy tính và Internet miễn phí. Để đáp ứng được khao khát của họ, cần nhiều dự án hơn, nhiều chương trình hơn nữa. Vì đây chính là một “kênh” không chỉ đáp ứng thông tin, giáo dục, bồi dưỡng, mà còn là một sự kết nối hiệu quả trong sản xuất hiện đại.
Ý kiến ()