Indonesia tuyên chiến với nạn rượu giả
Cảnh sát Indonesia hôm nay đã tuyên chiến với nạn rượu giả khi chỉ trong hai tuần qua, số người chết và ngộ độc do rượu giả đã vượt qua con số 100 ở quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới này.
Theo Cảnh sát quốc gia Indonesia, các ca tử vong và ngộ độc rượu giả được ghi nhận tại tỉnh Tây Java, tỉnh Jakarta và đảo Papua; trong đó, số người chết tại Tây Java lên tới 51 người, ở Jakarta là 31 người, bảy người ở Papua và hàng chục người khác bị ngộ độc đang được điều trị tại các bệnh viện.
Phó Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Indonesia, Đại tướng Syafruddin cho biết, tình hình rượu giả hiện nay rất nghiêm trọng. Cảnh sát sẽ quét sạch tận gốc rễ việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ rượu giả trên khắp đất nước và những kẻ làm giả sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất.
“Tôi yêu cầu lực lượng cảnh sát giải quyết vấn đề này ngay trong tháng này. Sẽ không còn rượu giả trên đất nước Indonesia. Không có một chai rượu giả nào trong tháng Ramadan tới”, Đại tướng Syafruddin tuyên bố.
Cảnh sát Indonesia cho biết, những kẻ làm rượu giả đã trộn cồn nguyên chất với các loại dung dịch khác như nước tăng lực, thuốc ho, thuốc chống muỗi, coca-cola.
Hồi đầu tuần, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ bảy kẻ làm rượu giả tại Tây Java và Jakarta. Hiện còn hai kẻ tình nghi đang bỏ trốn.
Theo Trung tâm nghiên cứu chính sách Indonesia (CIPS), các lệnh cấm và hạn chế buôn bán đồ uống có độ cồn từ 1% đến 5% đã trực tiếp gia tăng tình trạng sản xuất và tiêu thụ rượu giả.
Nhà nghiên cứu Sugianto Tandra thuộc CIPS nói: “Số lượng người tử vong gia tăng sau khi uống phải rượu giả có liên quan tới lệnh cấm phân phối và tiêu thụ các loại đồ uống có cồn ở nhiều khu vực trong nước cũng như lệnh hạn chế buôn bán rượu theo quy định của Bộ Thương mại Indonesia”.
Năm 2015, Bộ Thương mại Indonesia đã ra quy định cấm bán các loại đồ uống có cồn tại các siêu thị và cửa hàng nhỏ. Lệnh cấm này khiến người tiêu dùng khó khăn để mua được những sản phẩm hợp pháp.
Là quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới, nhưng ở Indonesia vẫn có đông người theo các tôn giáo khác. Bởi vậy, nhu cầu sử dụng đồ uống có cồn ở quốc gia này vẫn không hề nhỏ.
Theo Nhandan

Ý kiến ()