Indonesia tiếp tục cảnh báo người dân trước thảm họa sóng thần
Ngày 23/12, giới chức Indonesia đã khuyến cáo người dân và du khách xung quanh Eo biển Sunda tránh xa các bãi biển, đồng thời áp đặt lệnh cảnh báo thủy triều dâng cao đến hết ngày 25/12 tới sau khi xảy ra vụ sóng thần khiến hàng trăm người thương vong.
Ngày 23/12, giới chức Indonesia thông báo, vụ sóng thần tại nước này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 168 người, trong khi hàng trăm người khác bị thương.
Đại diện cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia nêu rõ: “Con số nạn nhân thiệt mang cho tới nay là 168 người, 745 người thiệt mạng và 30 người vẫn còn mất tích”.
Người đứng đầu cơ quan khí tượng học, ông Rahmat Triyono (Ra-mat Tri-i-ô-nô), nhấn mạnh những người dân đã đi sơ tán không nên quay trở về nhà lúc này. Trong khi đó, theo Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia, giới chức nước này vẫn đang thu thập thông tin về thảm họa trên, đồng thời cho biết nhiều khả năng số thương vong và thiệt hại tiếp tục tăng do nhiều nơi chưa có thống kê cuối cùng.
Một số hình ảnh hiện trường cho thấy đường phố đầy bùn đất và mảnh vỡ từ các ngôi nhà bị phá hủy, nhiều ô tô bị lật úp và cây cối đổ rạp. Sóng biển dâng cao đã cuốn trôi một sân khấu ngoài trời, nơi một ban nhạc đang biểu diễn, khiến 1 người thiệt mạng và nhiều người khác mất tích. Theo người dân địa phương, cơn sóng thần cao khoảng 3 mét này tràn vào bờ biển và tiến sâu vào đất liền khoảng 20m, cuốn đi hàng trăm ngôi nhà. Ước tính ban đầu cho thấy có khoảng 430 căn nhà bị tàn phá, 9 khách sạn bị tổn thất nặng nề và 10 tàu thuyền không thể hoạt động.
Cơ quan Địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG) cho hay vụ sóng thần này xảy ra vào khoảng 21h30 tối 22/12, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu vực xung quanh Eo biển Sunda, gồm các bãi biển tại Pandeglang (Pang-đê-lang), Serang (Xê-rang) và South Lampung (Nam Lam-pung). Theo BMKG, việc núi lửa Anak Krakatoa phun trào 30 phút trước đó đã gây ra một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển, cùng với đợt thủy triều dâng cao thất thường là nguyên nhân dẫn tới thảm họa sóng thần này.
Chuyển thi thể nạn nhân trong trận động đất và sóng thần tại Carita, Indonesia ngày 23/12. Ảnh: AFP/TTXVN
Người phát ngôn của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho (Xu-tô Pư-u Nu-grô-hô) cho biết việc núi lửa phun trào dẫn tới sóng thần là hiếm thấy, đồng thời khẳng định thảm họa sóng thần tại Eo biển Sunda không phải do động đất. Núi lửa Anak Krakatoa phun trào cũng tạo ra cột khói cao 500 m. Anak Krakatoa là một đảo núi lửa nhỏ vốn hình thành từ đại dương khoảng nửa thế kỷ trước sau khi xảy ra vụ núi lửa Krakatoa phun trào hồi năm 1883 của thế kỷ trước. Vụ phun trào này đã gây ra đợt sóng thần thảm khốc, cướp đi sinh mạng của 36.000 người. Anal Krakatoa là một trong số 127 núi lửa đang hoạt động tại Indonesia. Hồi năm 2004, một vụ động đất sóng thần xảy ra ngoài khơi vùng biển Sumatra, miền Tây Indonesia khiến 220.000 người thiệt mạng, trong số này có 168.000 người Indonesia.
Mới đây nhất, hồi cuối tháng 9 vừa qua, một vụ động đất, sóng thần xảy ra tại thành phố Palu (Pa-lu), trên đảo Sulawesi đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng, 5.000 người mất tích và hơn 9.000 người phải rời bỏ nhà cửa./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()