Indonesia thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng tự chủ
Việc cho ra đời một tập đoàn công nghiệp quốc phòng (CNQP) mới của Indonesia gần đây đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy mục tiêu tự chủ về CNQP của đất nước vạn đảo và đưa Indonesia trở thành quốc gia có nền CNQP mạnh, hiện đại trên thế giới.
Tập đoàn mới này có tên giao dịch “Defense Industry Indonesia (Defend ID)”, được giao cho hãng sản xuất thiết bị điện tử LEN Industri thuộc sở hữu nhà nước nắm giữ. Defend ID tập hợp 4 công ty sở hữu nhà nước, bao gồm công ty đóng tàu PAL Indonesia, công ty sản xuất máy bay Dirgantara Indonesia, công ty sản xuất chất nổ Dahana, công ty sản xuất xe tăng và vũ khí Pindad.
Tại lễ ra mắt Defend ID, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh: “Việc ra mắt Defend ID là bước đi đầu tiên trong chuyển đổi nền công nghiệp quốc phòng, phát triển hệ sinh thái CNQP mạnh, hiện đại, chiếm lĩnh thị trường cả nước, nâng cao sức cạnh tranh của ngành công nghiệp trên thị trường quốc tế”.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (thứ hai, từ trái qua) tại lễ ra mắt tập đoàn Defend ID ở Surabaya. Ảnh: setkab.go.id |
Tập đoàn CNQP mới cùng các chương trình chiến lược của Defend ID được kỳ vọng sẽ là bàn đạp để Indonesia trở thành quốc gia có thể tự cung tự cấp về CNQP. Qua đó sẽ cắt giảm sự phụ thuộc vào các loại vũ khí và thiết bị quân sự nhập khẩu, cũng như nguyên vật liệu. Defend ID được giao nhiệm vụ phát triển các thiết bị được sử dụng trong sản xuất “các công nghệ chủ chốt” nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa từ mức 41% lên 50% và dần đạt 100%.
Tổng thống Joko Widodo còn mong muốn Indonesia có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất vũ khí nước ngoài và “được công nhận” trên thị trường toàn cầu. Ông cũng kêu gọi “tìm kiếm cơ hội và chủ động nắm bắt cơ hội” để đưa Indonesia trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhà lãnh đạo này đã yêu cầu Defend ID đẩy mạnh phát triển quan hệ đối tác toàn cầu nhằm hướng tới mục tiêu tham vọng hơn đó là đưa tập đoàn này lọt vào tốp 50 tập đoàn CNQP hàng đầu thế giới vào năm 2024. Mặc dù nhà lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu mang tính toàn cầu đó, nhưng ông vẫn yêu cầu phải ưu tiên đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa.
Để đạt được khả năng tự cung tự cấp trong ngành CNQP, Defend ID được yêu cầu phải làm chủ các công nghệ lưỡng dụng trong sản xuất linh kiện, thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu với nhiều bên trong chuyển giao công nghệ và đổi mới nguồn nhân lực, nguyên liệu cũng như trong kinh doanh và vận hành các quy trình.
Defend ID đã cho thấy nhiều triển vọng trong thu hút đáng kể đầu tư nước ngoài cho các dự án của mình. Ngay tại lễ ra mắt, một số thỏa thuận đã được ký kết, trong đó có thỏa thuận sơ bộ về hợp tác công nghệ điện tử quốc phòng giữa LEN và nhà phát triển hệ thống điện Thales International của Pháp, biên bản ghi nhớ về việc hợp tác sản xuất xe tấn công đổ bộ bọc thép giữa Pindad và nhà sản xuất quốc phòng FNSS Savunma Sistemleri của Thổ Nhĩ Kỳ…
Indonesia hiện đang tích cực xây dựng các mối quan hệ đối tác toàn cầu trong lĩnh vực CNQP và đối ngoại quốc phòng trở thành một phần quan trọng trong hoạt động ngoại giao của nước này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto gần đây đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại quốc phòng với nhiều nước trên thế giới.
Một trong những mục đích quan trọng của các chuyến công du nước ngoài của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia là tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển trang thiết bị quốc phòng. Có thể nhắc tới chuyến công du Hàn Quốc vào tháng 4-2021 của ông Subianto và cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc để thảo luận dự án KF-X/IF-X phát triển và chế tạo hàng loạt máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo giữa hai nước với số vốn 114.000 tỷ Rupiah, từ năm 2015 đến 2028.
Trước đó, ông Subianto cũng tới Nhật Bản, Nga, Vương quốc Anh và tất cả chuyến thăm đều đề cập tới nỗ lực tăng cường quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực thiết bị và công nghệ quốc phòng.
Trước đó, tờ The Jakarta Post cho biết, trong quý IV-2020, Indonesia cũng thực hiện một loạt hoạt động tương tự nhằm tiếp cận những quốc gia khác trong lĩnh vực CNQP. Một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Thụy Điển đã được ký vào tháng 9-2020; các cuộc đàm phán với Pháp đã được tổ chức vào tháng 10-2020 để thực hiện những hoạt động nâng cấp thiết bị quốc phòng…
Việc thúc đẩy các mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực CNQP đã và đang đem lại cho Indonesia nhiều lợi ích hơn trông đợi. Nhà quan sát quân sự và tình báo Indonesia, ông Susanetyas Kertopati cho rằng, trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với các mối đe dọa quân sự và phi quân sự, trong đó có cả đại dịch Covid-19, việc trao đổi thông tin liên quan đến địa chính trị và sự phát triển của CNQP sẽ giúp nâng cao năng lực cho hệ thống phòng thủ quốc gia.
Về phần mình, Ủy viên Ủy ban I thuộc Hạ viện Indonesia, ông Yan Permenas đánh giá việc thúc đẩy đối ngoại quốc phòng có lợi với các nước, giúp hoàn thiện trang thiết bị quốc phòng, nâng cao chất lượng quân đội quốc gia và xây dựng lực lượng phòng thủ lý tưởng trong 10 đến 20 năm tới.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()