Indonesia quyết tâm thực hiện dự án cải tạo sông Citarum
Phóng viên TTXVN tại Indonesia dẫn nguồn báo chí địa phương cho hay chính quyền Indonesia quyết tâm thực hiện dự án cải tạo dòng sông Citarum ở Tây Java.
Với dự án có tên gọi Citarum Harum (làm sạch nước sông Citarum) kéo dài 7 năm được phê chuẩn vào tháng 2 vừa qua, Tổng thống Joko Widodo đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là làm cho dòng sông này “rất sạch” vào năm 2025. Tuy nhiên, chi phí cụ thể cho dự án này chưa được đưa ra.
Sông Citarum có chiều dài 297km, là con sông dài thứ ba ở đảo Java của Indonesia, sau sông Bengawan Solo ở tỉnh Trung Java và sông Brantas ở tỉnh Đông Java.
Dự án cải tạo và phục hồi sông Citarum nằm trong số những dự án lớn thuộc chương trình phát triển cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joko Widodo.
Dự án này được chính phủ Indonesia đặc biệt quan tâm và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, trong đó hai ứng viên đang cạnh tranh quyết liệt là Trung Quốc và Nhật Bản.
Cuối tháng 3 vừa qua, tại Bandung, Cơ quan Điều phối Nhật Bản-Indonesia đã giới thiệu công nghệ quản lý chất thải có thể được thực hiện trong khu vực này cho các doanh nghiệp hoạt động xung quanh lưu vực sông Citarum.
Trước đó, trong tháng 1 cũng đã có một cuộc họp về dự án này giữa Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Arata Takebe và Bộ trưởng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya Bakar.
Cũng trong tháng 3 vừa qua, 3 chuyên gia của Trung Quốc đã giới thiệu một giải pháp toàn diện giải quyết các vấn đề đa tầng ở sông Citarum trước các quan chức cấp cao Indonesia và nhận được sự đánh giá cao từ phía Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Indonesia Luhut Pandjaitan.
Việc thực hiện thành công dự án làm sạch sông Citarum sẽ là động lực cho 30 triệu người dân sống ven con sông trải dài từ thành phố Bandung ở tỉnh Tây Java đến thủ đô Jakarta này.
Người dân sống dọc theo lưu vực sông Citarum rất cần nguồn nước để sinh hoạt, sử dụng cho các nhà máy thủy điện cũng như phục vụ cho việc tưới tiêu, nuôi trồng.
Bên cạnh đó, phần lớn nguồn cung cấp nước cho các nhà máy nước của Jakarta là từ đập Jatiluhur, nơi bắt nguồn nước từ dòng sông Citarum.
Năm 2010, chính phủ Indonesia đã đưa ra chương trình làm sạch sông Citarum trong vòng 15 năm.
Trước đó, năm 2008, theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Indonesia sẽ cần phải chi khoảng 35 nghìn tỷ rupiah (khoảng 3,5 tỷ USD) để cải tạo dòng sông.
Vào năm 2013, ADB và Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra một báo cáo khác cho biết 2/3 mức độ ô nhiễm của sông Citarum là do rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và nông nghiệp.
Chi phí xử lý ô nhiễm ước tính khoảng 16 nghìn tỷ rupiah trong 20 năm. Tuy nhiên, việc làm sạch con sông dự kiến đem lại khoảng 2.100 tỷ rupiah mỗi năm./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()