Indonesia muốn thiết lập cấu trúc kinh tế toàn cầu hậu khủng hoảng
Tổng thống Indonesia nêu rõ nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia là động lực nhằm tăng cường ngoại giao kinh tế thông qua nỗ lực thiết lập một “cấu trúc kinh tế và y tế toàn cầu hậu khủng hoảng.”
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, tối 1/12, Indonesia đã chính thức khởi động nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bằng một buổi lễ trang trọng có sự tham dự của Tổng thống Joko Widodo.
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Joko Widodo khẳng định rằng nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là cơ hội để Indonesia đóng góp nhiều hơn cho quá trình phục hồi kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy các nước G20 hành động thực chất nhằm tạo ra các bước đột phá lớn.
Ông nhấn mạnh với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn,” nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia sẽ tập trung vào ba vấn đề, bao gồm chăm sóc sức khỏe toàn diện, chuyển đổi kinh tế dựa trên kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng bền vững.
Người đứng đầu nhà nước Indonesia nêu rõ nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia là động lực nhằm tăng cường ngoại giao kinh tế thông qua nỗ lực thiết lập một “cấu trúc kinh tế và y tế toàn cầu hậu khủng hoảng.”
Ông cho rằng nhiệm kỳ này của Indonesia cũng sẽ nhằm mục tiêu “đấu tranh cho nguyện vọng và lợi ích của các nước đang phát triển,” đồng thời cho biết Indonesia sẽ cố gắng xây dựng một “hệ thống quản trị thế giới công bằng hơn.”
Tổng thống Joko Widodo cũng cho biết thông qua nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Indonesia sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường tình đoàn kết của thế giới trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; thúc đẩy cam kết của các nước phát triển nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển.
Tháng 10 vừa qua, Indonesia đã tiếp nhận chức chủ tịch luân phiên G20 từ Italy. Nhiệm kỳ của Indonesia sẽ kéo dài từ ngày 1/12/2021 đến ngày 30/11/2022.
Thành lập năm 1999, G20 là diễn đàn toàn cầu quy tụ 19 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU), chiếm tới 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 75% kim ngạch xuất khẩu của thế giới./.
Ý kiến ()