Indonesia: Hàng chục nghìn người sơ tán vì nguy cơ núi lửa
Trong những ngày qua, gần 35.000 người dân sống tại một khu vực dân cư ở gần một ngọn núi lửa đang hoạt động trên hòn đảo Bali của Indonesia đã được sơ tán khi nhà chức trách cảnh báo về nguy cơ một đợt phun nham thạch sắp xảy ra.
Các quan chức cho biết họ đã nhận thấy những cơn địa chấn nông xảy ra trong khu vực từ hồi cuối tháng 8 và lần đầu tiên đã nâng mức cảnh báo từ “bình thường” lên mức hai “cảnh giác” vào ngày 14-9. Trong hệ thống cảnh báo nguy cơ núi lửa của Indonesia có tất cả bốn mức.
Chỉ sau vài ngày, khi nhận thấy các hoạt động của núi lửa gia tăng, nhà chức trách đã nâng mức cảnh báo và nhanh chóng tiến hành các đợt sơ tán dân làng quanh ngọn núi lửa. Đến những ngày cuối tuần trước, khu vực quanh ngọn núi Agung đã chứng kiến hàng trăm cơn rung chấn và nhiều dấu hiệu cho thấy dung nham đang dâng dần lên bề mặt ngọn núi lửa.
Ngày 23-9, nhà chức trách địa phương đã tuyên bố khu vực có bán kính 12km quanh ngọn núi lửa là khu vực cấm và ban hành cảnh báo với mức độ cao nhất. Nhà chức trách cũng đã sơ tán hàng chục nghìn dân cư trong khu vực cấm. Đêm 24-9, Trung tâm núi lửa quốc gia Indonesia ra thông cáo cảnh báo “năng lượng địa chấn của ngọn núi lửa đang gia tăng và có nguy cơ phun trào dung nham”.
Dự kiến, trong những ngày tới sẽ có thêm nhiều người phải sơ tán khi khu vực cấm này được mở rộng. Tuy nhiên, các khu vực du lịch chính của hòn đảo như Kuta và Seminyak nằm cách đó 70km, cũng như các chuyến bay tới đây vẫn chưa bị ảnh hưởng.
Hàng nghìn người dân Bali hiện đang phải sinh sống trong các trường học và tòa thị chính. Reuters cho biết, hiện vẫn còn rất nhiều người dân vẫn sống trong nhà của họ vào ban ngày và quay trở về nơi trú ẩn vào ban đêm.
Núi Agung nằm ở phía đông đảo Bali, có độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển, là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Indonesia. Ngày 24-9, Cơ quan du lịch địa phương của Bali cho biết hiện vẫn chưa phát hiện được các bụi tro núi lửa, nhưng khuyến cao du khách “bắt đầu chuẩn bị đầy đủ khẩu trang” để đề phòng trường hợp núi lửa bùng phát.
Một số quốc gia như Anh, Australia và Singapore đã ban hành các khuyến cáo du lịch cho các công dân của mình, cảnh báo nguy cơ các chuyến bay bị gián đoạn và sơ tán khẩn cấp.
Vào năm 1963, khi núi lửa Agung bùng phát đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của Bali trong những năm gần đây, nhà chức trách lo ngại số thương vong có thể còn cao hơn nếu ngọn núi này tiếp tục bùng phát.
Agung là một trong số 130 ngọn núi lửa đang hoạt động ở Indonesia, một quần đảo có nguy cơ núi lửa bùng phát và động đất cao do nằm trên “Vành đai lửa” ở Thái Bình Dương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()