Indonesia ghi nhận 8.161 ca nhiễm COVID-19 trong một ngày
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia ngày 15/6. (Ảnh: Xinhua) |
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 313.688 ca mắc và 7.374 ca tử vong mới vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 34.348.418 ca nhiễm COVID-19, trong đó 615.638 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Brazil (78.360 ca); Ấn Độ (62.226 ca); Argentina (27.260 ca); Nga (14.185 ca); Iran (10.216 ca); Mỹ (9.074 ca);… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Brazil (2.292 ca); Ấn Độ (1.470 ca; Argentina (586 ca); Nga (379 ca); Mỹ (285 ca)…
Tại châu Âu, hiện tại châu lục này ghi nhận 47.261.055 ca mắc COVID-19, trong đó 1.088.066 ca tử vong. Hết ngày 15/6, châu lục này ghi nhận đã có thêm 38.067 ca nhiễm mới và 990 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Tính đến nay, nước này ghi nhận đã có 5.744.589 ca mắc COVID-19 và 110.530 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 15/6, Pháp có thêm 3.235 ca nhiễm mới và 76 ca tử vong mới vì dịch bệnh. Nga, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan… lần lượt xếp sau Pháp về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu lục.
Châu Á hiện vẫn đang là tâm dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Tính đến nay, châu lục này đã có tổng cộng 53.797.757 ca nhiễm và 752.499 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 129.500 ca mắc và 2.506 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 50.991.747 ca được điều trị khỏi; 179.708 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 27.133 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực và trên toàn thế giới. Ngày 15/6, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 62.226 ca mắc mới và 1.470 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 29.632.261 ca và 379.601 ca. Xếp sau Ấn Độ, các quốc gia gồm: Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia, Philippines, Iraq, Pakistan là các quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 tại châu Á.
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 22.685 ca mắc mới và 415 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 4.394.500 người mắc COVID-19, trong đó 84.342 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Việt Nam.
Indonesia hiện vẫn là ổ dịch nghiêm trọng nhất khu vực ASEAN. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 8.161 ca nhiễm mới, trong đó 164 ca tử vong mới vì đại dịch. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận với tổng cộng 1.927.708 ca bệnh và 52.730 ca tử vong vì COVID-19. Hiện một số địa phương của Indonesia đang chứng kiến sự gia tăng đột biến các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 dù chương trình tiêm chủng quốc gia đã được triển khai từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường từ tháng 7 tới, sau hơn 1 năm đóng cửa và tổ chức học trực tuyến.
Phó Chủ tịch Hạ viện Indonesia, ông Sufmi Dasco Ahmad ngày 15/6 yêu cầu chính phủ hoãn mở cửa trở lại các trường học trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang gia tăng đột biến.
Trong khi đó, tại Thái Lan, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận 3.000 ca nhiễm mới trong ngày 15/6, nâng tổng số ca bệnh lên 202.264 ca trong bối cảnh nước này đang nỗ lực kiềm chế đợt bùng phát mới. Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận thêm 19 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh lên 1.485 ca.
Tại Malaysia, nước này hiện đang áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện từ ngày 1-28/6 sau khi số ca mắc mới COVID-19 liên tục tăng vọt trong tháng 5, lên mức kỷ lục 9.020 ca mắc mới/ngày hôm 29/5. Các chuyên gia y tế của nước này dự báo số ca mắc mới có thể sẽ tăng tới 13.000 ca mỗi ngày nếu chính phủ không thực hiện áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện. Tính đến nay, nước này đã có 667.876 ca nhiễm, trong đó, 4.069 ca tử vong vì dịch bệnh.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 14.863 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 40.213.483 ca, tổng số người tử vong là 908.562 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 33.479.509 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.455.351 ca nhiễm và 230.185 ca tử vong. Tiếp đó là các quốc gia Canada, Panama, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Guatemala lần lượt xếp sau Mỹ và Mexico về tác động của đại dịch COVID-19 trong khu vực.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 30.873.613 ca nhiễm; 949.951 ca tử vong và 27.989.196 ca phục hồi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận thêm 112.583 ca nhiễm và 3.021 ca tử vong vì dịch bệnh. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 17.533.221 ca nhiễm, trong đó 490.696 ca tử vong. Các quốc gia Argentina, Colombia, Peru, Chile, Ecuador, Bolivia lần lượt xếp sau Brazil về mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong khu vực.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 5.123.576 ca mắc COVID-19, trong đó 135.817 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.761.066 trường hợp, trong đó 58.087 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia và Fiji là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 10 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 30.272 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 910 trường hợp tử vong vì COVID-19. Các quốc gia French Polynesia, Papua New Guinea, New Zealand, Fiji, Wallis and Futuna… lần lượt xếp sau Australia vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại khu vực này.
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, ngày 14/6, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đã có cuộc gặp với Nhóm đặc nhiệm mua sắm vaccine COVID-19 (AVATT) của Liên minh châu Phi (AU) để thảo luận về các phương thức hợp tác nhằm thúc đẩy công tác tiêm chủng ngừa COVID-19 tại châu Phi, trong đó WB sẽ hỗ trợ AU triển khai tiêm chủng 400 triệu liều vaccine Johnson & Johnson.
Trước đó, ngày 28/3, AVATT đã ký thỏa thuận mua 400 triệu liều vaccine 1 mũi tiêm Johnson & Johnson với sự đảm bảo tài chính trị giá 2 tỷ USD của Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank).
WB và Nhóm AVATT nhất trí sẽ nhanh chóng thúc đẩy tất cả các thủ tục hành chính để đảm bảo các nước châu Phi được tiếp cận vaccine sớm nhất có thể./.
Ý kiến ()