Indonesia đóng góp 50 triệu USD cho quỹ ứng phó đại dịch của G20
Indonesia cam kết đóng góp 50 triệu USD cho Quỹ trung gian tài chính (FIF) do Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thành lập gần đây nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt về tài chính cho việc chuẩn bị ứng phó với các đại dịch.
Tại cuộc họp nhóm công tác y tế lần thứ hai của G20 tại Lombok, tỉnh Tây Nusa Tenggara mới đây, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin nhấn mạnh: “Nếu Indonesia – một quốc gia có thu nhập thấp – có thể quyên góp 50 triệu USD cho FIF, chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia phát triển và có thu nhập cao có thể quyên góp khoảng 1-2 tỷ USD cho Quỹ”.
Ông Budi cho rằng, các quốc gia đã đóng góp cho FIF có thể nhận được lợi ích trực tiếp để hỗ trợ chuyển đổi ngành y tế trong nước. Các quốc gia thành viên G20 đang hoàn thiện các chi tiết kỹ thuật của FIF, gồm cả việc xác định mục đích sử dụng, đối tượng có thể tiếp cận quỹ. G20 dự kiến hoàn thiện FIF và tất cả các đặc điểm kỹ thuật của Quỹ vào tháng 9 tới. Ông Budi nhấn mạnh công tác xây dựng kiến trúc y tế toàn cầu là một trong những chủ đề chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia.
Đầu năm nay, Bộ trưởng Budi từng khẳng định, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia đặt mục tiêu thành lập một quỹ y tế toàn cầu với tổng ngân sách 15 tỷ USD/năm trong 10 năm để phòng, chống đại dịch.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), FIF là một thỏa thuận tài chính sử dụng các nguồn lực công và tư để cho phép cộng đồng quốc tế đưa ra phản ứng phối hợp và trực tiếp đối với các ưu tiên toàn cầu. Với vai trò là Chủ tịch G20 năm 2022, Indonesia đã thúc đẩy việc thành lập một quỹ y tế toàn cầu để giúp thế giới chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Tháng 4/2022, các nước G20 đã đạt được đồng thuận thành lập một quỹ trị giá hàng tỷ USD theo cơ chế FIF. Các khoản đóng góp cho FIF sẽ là tự nguyện. WHO và WB ước tính ngân sách ứng phó hằng năm với đại dịch đang bị thiếu hụt 10,5 tỷ USD và rằng bất kỳ quỹ ứng phó nào cũng cần được tài trợ trong 5 năm, đồng thời đề xuất một quỹ trị giá hơn 50 tỷ USD.
WHO cho rằng, điều quan trọng là Quỹ của G20 không làm suy yếu các nguồn tài trợ y tế công cộng khác và WHO phải có vai trò ra quyết định trong quỹ. Chủ tịch WB David Malpass cho biết quỹ nhận được sự ủng hộ ngày càng gia tăng và cơ quan này sẽ làm việc với WHO và các đối tác khác để thành lập quỹ.
Về phần mình, Indonesia cũng đang tìm kiếm cam kết từ các nhà sản xuất lớn và các nước sản xuất dược phẩm để cung cấp khả năng tiếp cận với các biện pháp ứng phó khẩn cấp về y tế – như vaccine, thuốc và thiết bị chẩn đoán – nếu một đại dịch toàn cầu khác xảy ra.
Các quốc gia thành viên G20 cũng đang hướng tới điều phối các giao thức y tế toàn cầu, phân phối lại các trung tâm sản xuất và nghiên cứu toàn cầu cũng như tích hợp các nền tảng để giải trình tự toàn bộ bộ gene. Sau các cuộc họp G20 vào ngày 6-7/6 vừa qua, các quốc gia thành viên G20 đã nhất trí sử dụng cơ sở dữ liệu GISAID của Đức để chia sẻ dữ liệu di truyền của các loại virus có nguy cơ gây ra các đại dịch trong tương lai.
Liên quan vấn đề vaccine ngừa Covid-19, Bộ Y tế Indonesia ngày 9/6 cho biết sẽ dành gói ngân sách 1.300 tỷ Rupiah (89,2 triệu USD) để đặt mua vaccine được sản xuất trong nước trong năm nay.
Thứ trưởng Y tế Dante Saksono Harbuwono cho biết tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 của Indonesia đã ở mức cao, đạt hơn 400 triệu mũi tiêm, song chưa rõ khi nào đại dịch kết thúc. Ông Dante cho rằng, tình hình đại dịch hiện nay đang trong tầm kiểm soát, thể hiện qua số ca tử vong hàng ngày thấp, tỷ lệ lây nhiễm, tỷ lệ giường bệnh sử dụng và tỷ lệ tiêm chủng.
Ngoài ra, điều này cũng được thể hiện qua kết quả nghiên cứu huyết thanh, theo đó có tới 99,2% người Indonesia đã có kháng thể đối với virus SAR-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Ông Dante cho biết thêm, Bộ Y tế sẽ đánh giá nhu cầu vaccine ngừa Covid-19 của người dân. Sau khi bảo đảm nhu cầu trong nước đã được đáp ứng, các doanh nghiệp nhà nước của Indonesia sẽ xuất khẩu vaccine sang các nước có nhu cầu.
Ý kiến ()